Tây Ninh tích cực đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức

Thứ năm - 01/08/2013 21:40 416 0

Tây Ninh tích cực đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức

Sau gần 5 năm triển khai công tác đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức tỉnh Tây Ninh, đến nay công tác này đã đạt được những kết quả khả quan.

 

Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, có đường biên giới chung với Campuchia dài 240km, Phía Bắc và Tây giáp với 3 tỉnh của Campuchia (Kompông Chàm, Prây Veng, Svay Riêng). Dân số toàn tỉnh là 1.080.738 người, trong đó, có tới 8.035 người dân tộc Khmer đang sinh sống (số liệu thống kê năm 2011), chủ yếu tập trung tại các xã biên giới thuộc huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng.
Do số lượng bà con dân tộc Khmer đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đông nên yêu cầu đặt ra là làm sao để cán bộ, công chức của tỉnh có thể am hiểu ngôn ngữ, chữ viết cũng như giao tiếp với bà con dân tộc Khmer.
Chính vì thế, thời gian qua, Tây Ninh đã quan tâm, chú trọng và tích cực triển khai công tác đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức của tỉnh, đặc biệt là những người đang công tác tại các xã biên giới.

Khai giang Lớp đào tạo tiếng Khmer cho CBCC huyện Tân Biên

 

Ngay từ năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đào tạo tiếng Khmer đối với cán bộ, công chức giai đoạn từ năm 2009 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu đề ra là phấn đấu đến năm 2020, 80% cán bộ, công chức ở các xã biên giới và 20% cán bộ, công chức ở các sở, ngành tỉnh có liên quan làm việc bằng tiếng Khmer, có thể quan hệ làm việc với đồng bào Khmer bằng tiếng Khmer hoặc làm việc với các đơn vị bạn Campuchia.
Từ khi ban hành Kế hoạch, số lượng cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tiếng Khmer ngày càng nhiều. Đối tượng học cũng đa dạng, gồm cán bộ chuyên trách, công chức, công an, quân sự, dự nguồn công chức đang công tác ở 20 xã biên giới – nơi có đông đảo bà con dân tộc Khmer sinh sống. Các đối tượng học ngày càng được mở rộng, bao gồm cả cán bộ chủ chốt các huyện biên giới; cán bộ, công chức ở các Sở, ngành tỉnh liên quan; khối lực lượng vũ trang (công an, biên phòng, quân sự)…
Theo thống kê của Sở Nội vụ, từ năm 2009 đến nay (31/7/2013), tỉnh đã mở được 9 lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer ngắn hạn cho 326 cán bộ, công chức và 1 lớp đào tạo trình độ Cao đẳng Văn hoá Khmer chuyên ngành ngôn ngữ Khmer tại tỉnh cho 43 cán bộ, công chức. Hiện Sở Nội vụ đang chọn cử cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tham gia đào tạo biên phiên dịch tiếng Khmer tại Đại học Hoàng gia Campuchia.
Khai giảng Lớp Cao đẳng Văn hoá Khmer

 

 

Cán bộ, công chức đang công tác tại các xã biên giới cũng như cán bộ, công chức thường xuyên liên hệ công tác với đồng bào dân tộc Khmer cần am hiểu ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào Khmer. Do vậy, việc đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức là rất cần thiết, giúp cán bộ, công chức có khả năng giao tiếp với đồng bào dân tộc Khmer, từ đó dễ dàng tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào Khmer giữ gìn an ninh chính trị, quốc phòng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Việc đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức tỉnh Tây Ninh còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài, phục vụ công tác đối ngoại; tạo thuận lợi trong quan hệ, giao tiếp cũng như tăng tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.  
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi cử cán bộ, công chức đi học phải rà soát, lựa chọn kỹ càng, xác định rõ đối tượng, tránh cử đi học một cách tràn lan, gây lãng phí. Và quan trọng hơn là phải thiết kế nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp để nâng cao chất lượng đầu ra, tránh tình trạng học xong nhưng lại không thể giao tiếp thông thường với bà con dân tộc Khmer.
                           Doãn – Phượng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây