Khen thưởng tập thể cá nhân có thành tích tại Hội nghị |
Năm năm vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành, đoàn thể cùng phối hợp triển khai tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tốt việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục mầm non, đảm bảo nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ trẻ trong trường mầm non.
Hiện nay, Tây Ninh có 131 Trường Mầm non, Mẫu giáo phủ khắp 95 xã, phường, thị trấn, trong đó có 24 trường đạt chuẩn quốc gia (có 01 trường đạt mức độ 2); trẻ em 5 tuổi huy động đến trường trên 99%; 100% trẻ em đến trường được chăm sóc sức khoẻ, trẻ em suy dinh dưỡng được kéo giảm. Đặc biệt, 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi triển khai thực hiện bộ chuẩn phát triển theo quy định, được đánh giá đạt yêu cầu. Cấp học mầm non có 1.721 giáo viên, 100% đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 63,2%.
100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; duy trì 09/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập mầm non. Tất cả các trường mầm non, mẫu giáo đều có khuôn viên riêng biệt, có cổng và hàng rào đảm bảo an toàn cho trẻ. Việc xây dựng môi trường giáo dục theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp luôn được quan tâm, xây dựng đạt “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Qua 3 năm (2013 - 2015) triển khai thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập, kết quả xóa mù chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt tỷ lệ 98,7%, trong độ tuổi từ 15-35 đạt tỷ lệ 99,8%, tất cả đều vượt kế hoạch; huy động học sau xóa mù chữ được 512 người. Toàn tỉnh có 95/95 xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, trong đó có 56 xã đạt chuẩn mức độ 2; 24 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên tự học nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu công việc. Theo đó, qua 3 năm đã cấp được 3.461 chứng chỉ tin học, 615chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B. Từ năm 2013 đến 2015 đã đào tạo nghề cho 255.727 lượt lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Mọi người dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề đều đáp ứng mở lớp học nghề theo yêu cầu. Công nhân lao động qua đào tạo nghể chiếm 45%. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức cho 139 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng Khmer, cử 5 cá nhân học Đại học tiếng Khmer tại Campuchia. Có 32 cán bộ công chức được đào tạo tiếng Anh trình độ IELTS từ 4.0 đến 6.5. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Học tập cộng đồng. Công tác giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông có nhiều tiến bộ.
Tại Hội nghị, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập được UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng./.
Thái Thành
Ý kiến bạn đọc