Thực hiện tốt công tác phát hiện, nhân điển hình tiên tiến, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua

Thứ sáu - 16/02/2018 20:00 50 0

Thực hiện tốt công tác phát hiện, nhân điển hình tiên tiến, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt cả 4 khâu phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, qua đó tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, mang lại hiệu quả thiết thực.

      Đó là một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngay từ đầu năm, tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt, đồng loạt ra quân triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 2018 của từng bộ, ngành và địa phương. Tổ chức các phong trào thi đua phải có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.

      Công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh các phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

      Các Bộ ngành, địa phương phải thường xuyên, coi trọng việc phát hiện kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, sáng tạo và có nhiều hình thức để biểu dương, động viên, nhân rộng. Thực hiện tốt cả 4 khâu phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Qua đó tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, mang lại hiệu quả thiết thực; phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố, mô hình mới.

      Thực hiện tốt và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, đúng quy định; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện công tác chuyên môn làm tiêu chí khen thưởng; thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ trong bình xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng, tránh khen thưởng tràn lan, vận dụng các quy định của pháp luật để khen thưởng; tạo sự chuyển biến tích cực trong khen thưởng cho các đơn vị cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp như lấy ý kiến rộng rãi về việc khen thưởng cho các tập thể, cá nhân để nắm bắt thông tin trước khi đề nghị khen thưởng; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm những hồ sơ tồn đọng trong khen thưởng kháng chiến, phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".

       Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, nghiên cứu, tham mưu đề xuất sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng; phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện, bảo đảm công tác thi đua khen thưởng thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng./.

       Thái Thành

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây