Những gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Gò Dầu.

Thứ năm - 10/04/2014 14:15 106 0

Những gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Gò Dầu.

Triển khai phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, hiện nay nhiều địa phương ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đã thành công trong việc phát huy nội lực, vận động Nhân dân đóng góp trí tuệ, hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để tham gia phong trào. Tại Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng huyện Gò Dầu vừa qua, tôi có dịp gặp gỡ và giao lưu với 03 điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 

            *HIẾN ĐẤT LÀM ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN
Cẩm An là một trong bốn ấp của xã Cẩm Giang, Nhân dân trong ấp chủ yếu là nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Đường giao thông nông thôn trong ấp nhỏ, hẹp và lầy lội vào mùa mưa, việc đi lại và vận chuyển hàng nông sản của bà con vô cùng khó khăn. Đảng ủy, Chính quyền xã Cẩm Giang đã đưa ra chủ trương thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm trong xây dựng đường giao thông nông thôn.
Cuộc vận động của xã đã tác động đến ông Nguyễn Văn Sền, sau nhiều đêm suy nghĩ đấu tranh tư tưởng giữa một bên là quyền lợi của gia đình, một bên là lợi ích của cộng đồng dân cư, ông đã quyết định hiến 400 mét vuông đất cùng hơn 70 gốc cao su đang cho thu hoạch và nhiều cây ăn trái khác trị giá trên trăm triệu đồng để cùng địa phương làm đường giao thông. Noi gương ông, các hộ ven đường lần lượt tự nguyện tháo dỡ tường rào, cổng, công trình phụ và bàn giao đất, đóng góp công sức san lấp, đào mương thoát nước…Hiện nay ở Cẩm An có những con đường mới to rộng, quang đãng, sạch đẹp góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
           *SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI, GIÚP NHAU GIẢM NGHÈO VÀ LÀM GIÀU CHÍNH ĐÁNG
           Nông dân Tô Thành Việt, ấp Bông Trang, xã Thạnh Đức là một tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Xuất thân từ gia đình khó khăn, thiếu thốn nhưng với quyết tâm thoát nghèo, bản thân ông đã cần cù lao động, quyết tâm học hỏi, đầu tư sản xuất. Được tập huấn của Hội Nông dân cùng các lớp Khuyến nông, ông đầu tư làm lúa nước, áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào, không ngừng mở rộng diện tích canh tác. Hiện nay gia đình ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, xây được nhà khang trang, có đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống, con cái học tập đạt kết quả tốt.
          Đã thoát cảnh nghèo, ông cùng gia đình hỗ trợ cho các hộ nghèo, khó khăn của địa phương bằng cách cho mượn tiền không tính lãi, tạo công ăn việc làm ổn định và thường xuyên cho 03 lao động là con em các hộ gia đình khó khăn và đóng góp, hỗ trợ thực hiện các chương trình tại địa phương.
          Nông dân Nguyễn Văn Nhành, ấp 2, xã Bàu Đồn – Chủ nhiệm Hợp tác xã Giống cây trồng và Dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, nhiều năm qua tự nguyện làm cầu nối giữa các nhà khoa học với nông dân. Năm 1993, ông đã cộng tác với các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam thử nghiệm các giống đậu phọng, lúa mới. Từ đó đến nay ông luôn cộng tác với các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật trong và ngoài tỉnh đến hợp tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho bà con địa phương. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bản thân ông đã vận động bà con nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, chuyển đổi mô hình sản xuất, tham gia mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa, cây bắp.
     
Gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới được Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu tặng Giấy khen tại Hội nghị Tổng kết TĐKT năm 2013 của huyện.
            Bản thân ông đã chủ động tìm kiếm công ty hợp đồng sản xuất bắp giống cho bàn con nông dân địa phương, hiện nay đang phối hợp với Công ty Giống cây trồng Trung ương, trong vụ đông xuân năm nay, người nông dân có lãi từ 40 – 50 triệu đồng/ha. Sản xuất giống là một hướng đi mới đạt hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Có thể nói, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn là những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Việc phát huy vai trò gương mẫu của của các hộ dân trong hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn,  chuyển đổi mô hình sản xuất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc huy động sức dân, đồng thời cũng tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua khác ở địa phương. Đúng như lời Bác đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thái Thành

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây