Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020.

Thứ hai - 22/08/2016 18:00 85 0

Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020.

Sáng ngày 17/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.

        Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Giám đốc Sở Nội vụ Phan Văn Sử cùng Lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.

         

hinh hn chc.JPG
​Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

        Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thông qua Báo cáo tóm tắt kết quả cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

         Trong giai đoạn 2011 - 2015, việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo 25 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ cơ bản hoàn thành, tính đến hết năm 2015, đã đơn giản hóa 4.525/4.723 TTHC, đạt tỷ lệ 95,8%. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương.

        Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy, tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đáng lưu ý là trong năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là Nghị định quan trọng, tạo khung pháp lý để các bộ quản lý về lĩnh vực sự nghiệp xây dựng, trình Chính phủ ban hành cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với tính chất, đặc điểm từng ngành, lĩnh vực.

       Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc; tính đến đầu tháng 12/2015, Bộ Nội vụ đã thẩm định và phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của 17/20 bộ, ngành (chiếm 85%) và 53/63 địa phương (chiếm 84,12%).

      Việc xét tuyển đặc cách đối với những người tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài hoặc có kinh nghiệm công tác từ 05 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và đã được Bộ Chính trị thông qua tại Kết luận số 86/KL-TW ngày 24/01/2014.

      Hạ tầng công nghệ thông tin được xây dựng, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Hiện có 80% số lượng văn bản hành chính được các cơ quan hành chính cấp trung ương và địa phương trao đổi dưới dạng điện tử. Đến nay, có 100% các dịch vụ công cơ bản đã được các bộ, ngành và địa phương cung cấp trực tuyến mức độ 2; các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã và đang được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

      Phát huy những thành tích đã đạt được, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã đặt ra mục tiêu là tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn II (2016 - 2020). Trong đó, tập trung thực hiện các trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

      Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo tham luận của các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào các nội dung như: kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong nền hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tài chính công; kết quả cải cách nâng cao chất lượng dịch vụ y tế công; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; những khó khăn, thách thức và các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, Hội nghị đã được nghe báo cáo tham luận của Quảng Ninh về mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh, mô hình này đã được thí điểm tại một số tỉnh (Quảng Ninh, Thái Bình, Bình Dương...) và sắp tới sẽ triển khai nhân rộng tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

       Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, cải cách hành chính đã đạt được những kết quả đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực; so với 10 năm trước đây, khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình tổng thể giai đoạn 2011 - 2020, diện mạo của nền hành chính nước ta đã có những thay đổi, chuyển biến theo hướng tích cực và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

      Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao kết quả cải cách hành chính đạt đươc trong 5 năm qua. Thủ tướng biểu dương một số cách làm mới như mô hình một cửa, một cửa liên thông hay Trung tâm hành chính công của Quảng Ninh; mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; bước đầu xây dựng thành phố thông minh như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế...

      Nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính nhà nước thời gian qua, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bộ máy còn cồng kềnh; thể chế phức tạp; môi trường đầu tư còn yếu kém so với một số nước tiên tiến và ở khu vực ASEAN; cán bộ, công chức, viên chức đông nhưng chưa mạnh, chưa hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; vẫn còn tình trạng xin – cho,  ức hiếp, nhũng nhiễu dân, nhất là một số nơi có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

                        Doãn Phượng

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây