Kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ đối với Chỉ số CCHC cấp tỉnh cho thấy, Tây Ninh là 1 trong 49 tỉnh nằm trong nhóm B (nhóm tốt). Điểm thẩm định năm 2015 của tỉnh cao, đạt 56,5/62 điểm và tăng 2,1 điểm so với năm 2014.
Một số lĩnh vực như: công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL; cải cách TTHC; hiện đại hóa hành chính được đánh giá tốt hơn so với năm 2014. Riêng lĩnh vực cải cách TTHC, tỉnh Tây Ninh là một trong 23 tỉnh đứng đầu cả nước, đạt điểm tối đa là 10/10 điểm.
|
Công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Thạnh Tân (UBND TP Tây Ninh) giải quyết hồ sơ cho người dân |
Kết quả trên cho thấy, Lãnh đạo UBND tỉnh rất quan tâm trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện rất quyết liệt các nhiệm vụ CCHC mà tỉnh đã đề ra; đồng thời, các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh đã quan tâm, chủ động hơn trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh cũng như tích cực thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao.
Đặc biệt, Lãnh đạo UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh cho thấy, một số cơ quan chưa kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và mức độ thực hiện các nhiệm vụ được giao chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể như: Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; Kế hoạch ứng dựng công nghệ thông tin; Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các văn bản QPPL, ban hành chưa đúng thời gian quy định. Mức độ thực hiện kế hoạch đào tạo và kế hoạch xây dựng văn bản QPPL hàng năm của UBND tỉnh đạt tỷ lệ chưa cao.
Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh chưa được Bộ Nội vụ phê duyệt nên chưa thực hiện việc cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm. Do đó, lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đạt được điểm số đánh giá cao, mà chỉ đạt ở mức độ thấp.
Về thực hiện ISO 9001:2008 tại UBND cấp xã, theo quy định của tỉnh, đơn vị hành chính cấp xã chỉ khuyến khích thực hiện công bố theo hệ thống ISO chứ không bắt buộc phải thực hiện và hiện nay mới có 51/95 xã, phường, thị trấn trong tỉnh áp dụng, đạt tỷ lệ 53,68%. Do đó, tiêu chí áp dụng ISO trong hoạt động của các cơ quan hành chính cấp xã không đạt được điểm số đánh giá cao, mà chỉ đạt ở mức độ trung bình.
So với năm 2014, mặc dù điểm thẩm định và tổng điểm năm 2015 tăng nhưng thứ hạng của tỉnh giảm (từ thứ hạng 18/63 tỉnh, thành vào năm 2014 xuống thứ hạng 29/63 tỉnh, thành vào năm 2015). Sở Nội vụ cho biết, nguyên nhân chính là do điểm điều tra xã hội học của tỉnh năm 2015 giảm so với năm 2014 và số điểm đạt được chưa cao (chỉ đạt 29,48/38 điểm).
Theo kết quả điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ cho thấy, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, tuyên truyền về CCHC của các ngành, các cấp trong tỉnh chưa được quan tâm đúng thực chất; thái độ phục vụ, kỹ năng làm việc của cán bộ, công chức, viên chức chưa được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao, còn gây phiền hà cho người dân. Việc bố trí nguồn lực cho công tác CCHC và công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ CCHC của tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa được người đứng đầu quan tâm đúng thực chất. Các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, lĩnh vực phụ trách. Tính kịp thời của thông tin, mức độ thuận tiện trong truy cập và khai thác thông tin trên Cổng, Trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính chưa được người dân đánh giá cao. Chất lượng cung cấp dịch vụ công về y tế, giáo dục chưa được người dân đánh giá cao, nhất là tỷ lệ hài lòng về thái độ phục vụ, năng lực chuyên môn của ngành Y tế còn thấp.
Nói về nguyên nhân của những hạn chế nêu trên dẫn đến Chỉ số CCHC của tỉnh bị tụt hạng, Sở Nội vụ đánh giá là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, chồng chéo; một số nội dung do Trung ương chậm ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương. Các cơ quan, đơn vị chưa chủ động thực hiện rà soát, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật, các TTHC đang áp dụng tại ngành, tại địa phương để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Công tác phối hợp giữa cơ quan hành chính các cấp, cơ quan chuyên môn và cơ quan của Trung ương đóng tại địa phương chưa được quan tâm thực hiện, nhất là công tác phối hợp trong giải quyết TTHC liên thông.
Ngoài ra, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện CCHC, cải cách TTHC chưa cao, chưa đúng thực chất. Thái độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chưa đáp ứng được nhiệm vụ.
D.P
Ý kiến bạn đọc