Còn điểm hạn chế trong thực hiện cơ chế một cửa.

Thứ ba - 21/07/2015 22:10 812 0

Còn điểm hạn chế trong thực hiện cơ chế một cửa.

Hiện nay, Tây Ninh có 123 cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện cơ chế một cửa (gồm 19/19 sở, ban, ngành tỉnh; 9/9 huyện, thành phố; 95/95 xã, phường, thị trấn). Số lĩnh vực thực hiện theo cơ chế một cửa là 88.

               Các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (Công an tỉnh, Cục Thuế, Cục Thống kê, Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh) cũng có 19 lĩnh vực đang thực hiện theo cơ chế một cửa.

Cơ chế một cửa liên thông hiện đang thực hiện ở 2 lĩnh vực: cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đăng ký Mã số thuế cho doanh nghiệp (đối với cấp tỉnh); lĩnh vực đất đai (đối với cấp huyện).
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, từ khi triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã thực hiện đạt kết quả tích cực. Cụ thể như: tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 67%, thời gian nội thuế của doanh nghiệp giảm xuống dưới 300/giờ/năm; việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp rút ngắn xuống còn 11 giờ; thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp giảm còn 65 ngày; thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ 7 ngày giảm còn 5 ngày; thủ tục giải thể doanh nghiệp từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và thủ tục bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh từ 3 ngày còn 1 ngày. Số thủ tục hành chính giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ trên 95%.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC cũng được đẩy mạnh. Hiện 9/9 UBND cấp huyện đã triển khai, áp dụng phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để giải quyết TTHC cho người dân. Đến nay, 19 sở, ngành tỉnhvà 9 huyện, thành phố của tỉnh đã có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin và niêm yết thủ tục hành chính ở mức độ 2; trong đó 21 TTHC được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 1 TTHC được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.
Các phần mềm một cửa điện tử, phần mềm chữ ký số, văn phòng điện tử được các cơ quan khai thác vận hành đang từng bước đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần thay đổi thói quen làm việc thủ công, chuyển sang sử dụng công nghệ trong xử lý công việc hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức.
Bên cạnh những ưu điểm, trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông vẫn còn một số hạn chế. Theo Sở Nội vụ, giải quyết các TTHC tại các cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu sót; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm vẫn xảy ra.
Phối hợp công tác giữa các cơ quan chuyên môn cùng cấp và giữa các cơ quan hành chính các cấp chưa tốt, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, cấp giấy phép đầu tư.
Thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đa số cán bộ, công chức được đánh giá là có chuyển biến tốt nhưng vẫn còn chậm. Một số cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn hạn chế về năng lực, khi tiếp nhận hồ sơ cũng như giải thích cho người dân chưa rõ ràng, đầy đủ khiến người dân phải đi lại nhiều lần.
Một số huyện, xã cập nhật, công khai TTHC tại bộ phận một cửa chưa đúng yêu cầu như không đầy đủ, thiếu thông tin, không cập nhật kịp thời các quy định mới. Chẳng hạn như, nhiều nơi công khai thủ tục nhưng lại thiếu mẫu đơn, mẫu tờ khai,...
Thời gian qua, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo được bước chuyển căn bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, giúp người dân giảm được nhiều chi phí, thời gian đi lại. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong giải quyết các TTHC, hơn ai hết, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước phải biết gánh trách nhiệm về mình.
    D.P

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây