Xác định vị trí việc làm: nội dung mới và khó

Thứ năm - 29/08/2013 17:10 146 0

Xác định vị trí việc làm: nội dung mới và khó

Thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ và Thông tư số 05/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Mới đây, UBND tỉnh ban Quyết định số 1626/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính tỉnh Tây Ninh. Đây là nội dung mới và khó, lần đầu tiên thực hiện, vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị không tránh khỏi một số khó khăn, lúng túng.

 

Bà Trương Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Sở Nội vụ trả lời phỏng vấn
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Trương Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Sở Nội vụ để làm rõ thêm một số vấn đề trong việc xác định vị trí việc làm tại tỉnh Tây Ninh.
* Được biết, Sở Nội vụ vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính tỉnh Tây Ninh. Khi xây dựng Đề án, các cơ quan, đơn vị phải tiến hành những công việc gì? Phương pháp để xác định vị trí việc làm ra sao, thưa bà?
Bà TTPT:
* Khi xây dựng Đề án, các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo được những công việc chính như sau:
- Thống kê công việc, phân nhóm công việctheo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động hiện có;
- Xác định vị trí việc làm;
 - Dự kiến biên chế;
- Xác định cơ cấu ngạch công chức.
* Về phương pháp xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, gồm có 8 bước:
 Bước 1: Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (kể cả các công việc thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo quy định): Từng cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan tiến hành thống kê công việc hiện đang đảm nhận. Chỉ thống kê các công việc mang tính chất thường xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại
Bước 2: Phân nhóm công việc: Sau khi thống kê công việc của cơ quan, đơn vị thì phân nhóm công việc theo 3 nhóm (nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành; nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ).
Bước 3: Xác định các yếu tố ảnh hưởng như: Số lượng, khối lượng công việc được giao; chất lượng, số lượng công chức cơ quan; mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; chế độ làm việc, cách thức tổ chức công việc của cơ quan…
Bước 4: Thống kê, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ công chức hiện có (số lượng, chất lượng, việc sử dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ);
Bước 5: Xác định danh mục và phân loại các vị trí việc làm cần có để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị (kể cả các công việc phải thực hiện chế độ hợp đồng lao động)
Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm: mô tả các công việc, các hoạt động và thời gian phải thực hiện (nếu xác định được) để hoàn thành từng công việc, từng hoạt động; kết quả (sản phẩm) của vị trí việc làm đó; điều kiện làm việc...
Bước 7: Xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm: khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây dựng gồm các năng lực và kỹ năng phải có để hoàn thành các công việc
Bước 8: Xác định ngạch công chức tương ứng và chức danh lãnh đạo, quản lý (nếu có) với mỗi vị trí việc làm đã được xác định.
* Bà cho biết mục tiêu của Đề án xác định vị trí việc làm là gì?
Bà TTPT:
Xác định danh mục vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức trong các cơ quan hành chính để xác định biên chế và bố trí, sắp xếp công chức đảm bảo khoa học, hiệu quả và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.
 Từ đó, giúp cơ quan, đơn vị và UBND tỉnh có kế hoạch cụ thể trong việc sử dụng, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng công chức của tỉnh. Đồng thời, làm cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế, đào thải những công chức không đáp ứng yêu cầu công việc.
* Vậy lộ trình xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm của tỉnh như thế nào?
Bà TTPT:
Theo Kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính tỉnh Tây Ninh, lộ trình xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm như sau:
Sau khi các đơn vị, tổ chức xây dựng xong Đề án, các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành lập Tổ thẩm định Đề án vị trí việc làm của các tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và tổng hợp các Đề án gửi về Sở Nội vụ trước ngày 27/9/2013.
Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị và đề xuất UBND tỉnh thành lập Tổ thẩm định Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của tỉnh. T30/9/2013 đến 25/10/2013, Sở Nội vụtrình UBND tỉnh gửi Bộ Nội vụ Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của tỉnh.
Sau khi Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh mới trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị biên chế công chức của tỉnh.
          * Ngay từ khi có Nghị định 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ và Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đã hướng dẫn, triển khai cho các đơn vị thực hiện từng bước. Đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai tới đâu? Trong quá trình triển khai, các đơn vị gặp khó khăn gì?
Bà TTPT:
Ngày 06/8/2013, Sở Nội vụ đã tổ chức, hướng dẫn triển khai Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đến nay, cơ quan, tổ chức, đơn vị đang triển khai cho từng công chức thuộc đơn vị thống kê công việc theo từng vị trí việc làm của mình.
Trong quá trình triển khai các cơ quan, tổ chức, đơn vị gặp một số khó khăn trong xác định vị trí việc làm như:
- Khó thống kê công việc thường niên của từng CBCC. Một số công chức do phân công kiêm nhiệm nhiều việc nên khi xác định vị trí việc làm các cơ quan, tổ chức, đơn vị gặp lúng túng, không biết có thống kê cả những nhiệm vụ khác ngoài chuyên môn vào hay không. Một số công việc mang tính dài hạn như xây dựng các kế hoạch, đề án…khó xác định thời gian hoàn thành và sản phẩm đầu ra.
- Có đơn vị khi xây dựng đề án vị trí việc làm chỉ tập trung vào việc xác định nhiệm vụ, kết quả, sản phẩm mà chưa mô tả được các tiêu chuẩn cần thiết cũng như các yếu tố ảnh hưởng để xác định biên chế tại vị trí đó.
- Một số đơn vị sau khi xây dựng đề án mô tả vị trí việc làm có tâm lý muốn tăng thêm biên chế nên chưa mô tả hết thực chất tính chất công việc của từng vị trí việc làm.
* Theo quy định, khi xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị phải báo cáo cụ thể số lượng, chất lượng, việc sử dụng, bố trí CBCC của cơ quan; đồng thời đánh giá CBCC cơ quan có đáp ứng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hay không và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng người. Vậy tiêu chí nào có thể đánh giá mức độ hoàn thành hay không hoàn thành?
Bà TTPT: Việc đánh giá mức độ hoàn thành hay không hoàn thành căn cứ trên cơ sở thống kê từng công việc, đầu ra (sản phẩm), khả năng của từng công chức sử dụng bao nhiêu thời gian để hoàn thành công việc. Các công việc của từng cá nhân được thống kê theo phụ lục số 1A (do Bộ Nội vụ quy định),trong đó, có ước tính % thời gian thực hiện của mỗi công việc; đầu ra (sản phẩm) của mỗi công việc; số lượng đầu ra trung bình/năm. Dựa vào các tiêu chí trên, Lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ của công chức.
* Thực tế hiện nay, các cơ quan, đơn vị sử dụng, bố trí công chức không đúng ngành nghề chuyên môn còn khá nhiều. Tình trạng này có gây khó khăn, ảnh hưởng gì trong quá trình xác định vị trí việc làm?
Bà TTPT: Trên thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị bố trí, sử dụng CBCC không đúng chuyên ngành đào tạo. Tình trạng đó gây khó khăn, ảnh hưởng trong việc: phân nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và xử lý công việc; xác định khung năng lực (năng lực cốt lõi về chuyên môn).
* Sau khi xác định vị trí việc làm, liệu có xảy ra trường hợp biên chế của đơn vị sẽ không giảm mà còn tăng thêm so với hiện tại?
Bà TTPT: Xác định vị trí việc làm có thể số biên chế của đơn vị tăng lên hoặc giảm đi. Số lượng biên chế tăng (nếu có) phải đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của đơn vị. Biên chế dự kiến theo Đề án xác định vị trí việc làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét giao số lượng biên chế cho phù hợp với từng đơn vị.
Do đó, việc xác định lại số lượng biên chế công chức đã giao cho từng cơ quan, đơn vị trong tỉnh sẽ có điều chỉnh chung theo từng cơ quan đã được Chính phủ giao cho. Tuy nhiên, theo Kết luận Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ cở: “từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới)”.
* Sau khi xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm, liệu có thống kê được số công chức làm việc không hiệu quả, không làm hết thời gian (40h/tuần) hay không? Nếu có thì xử lý như thế nào?
Bà TTPT:
Khi xác định vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, xác định từng vị trí việc làm. Sẽ có những vị trí việc làm do CBCC đảm nhận nhưng thực hiện không hiệu quả hoặc không thống kê được đầu công việc do mình đảm nhận….Đối với những trường hợp này, Lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí lại. Nếu không đào tạo, bố trí được sẽ từng bước giải quyết chính sách. Bởi vì, mục tiêu của việc xây dựng đề án nhằm sắp xếp, bố trí biên chế một cách khoa học, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, đào thải những công chức không đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính của tỉnh.
                                       Người phỏng vấn: Doãn – Phượng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây