Xác định vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức

Thứ ba - 22/10/2013 14:10 114 0

Xác định vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức

Đánh giá đúng năng lực, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức; sắp xếp lại đội ngũ công chức, hướng tới tinh giản biên chế… là mục tiêu của Đề án xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính của tỉnh Tây Ninh.

 

Thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ và Thông tư số 05/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính tỉnh Tây Ninh.
Đây là nội dung mới và khó, lần đầu tiên thực hiện trong cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng. Tuy nhiên, nếu làm một cách bài bản, khoa học nó sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, góp phần đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, khi xây dựng Đề án Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo được những công việc chính sau: từng cán bộ, công chức thống kê các công việc hiện đang đảm nhận; phân nhóm công việc; thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động hiện có; xác định vị trí việc làm; dự kiến biên chế; xác định cơ cấu ngạch công chức.
Các cơ quan, đơn vị khi xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm phải báo cáo cụ thể số lượng, chất lượng, việc sử dụng, bố trí công chức của cơ quan; đồng thời đánh giá công chức cơ quan có đáp ứng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hay không và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng người. Bản thân mỗi công chức, khi thống kê các công việc của mình phải ước lượng thời gian thực hiện của mỗi công việc, đầu ra (sản phẩm) của mỗi công việc và số lượng đầu ra trung bình/năm. Như thế, cơ quan sử dụng cán bộ, công chức sẽ căn cứ vào đó để biết được ai làm việc nhiều, ai làm việc ít, ai không làm việc, ai hoàn thành công việc, ai không hoàn thành công việc… để bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.
Bà Trương Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí, sắp xếp công chức đảm bảo khoa học, hiệu quả và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh”.
Khi xác định vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị hành chính sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, xác định từng vị trí việc làm. Các cơ quan, đơn vị sẽ phải tìm ra sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức như nhiều người làm chung một việc, hoặc làm việc không hiệu quả, không thống kê được đầu công việc do mình đảm nhận…
 “Đối với những trường hợp này, Lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí công việc khác. Nếu không đào tạo, bố trí được sẽ từng bước thực hiện tinh giản biên chế, đào thải những công chức không đáp ứng yêu cầu công việc, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức từng cơ quan nói riêng và của tỉnh nói chung” – bà Thảo cho biết.
Xác định vị trí việc làm sẽ xác định được đúng số người làm việc trong mỗi cơ quan, đơn vị; đồng thời, xác định rõ những vị trí, những người không cần thiết trong các cơ quan đó, làm cơ sở để tinh giản biên chế. Tinh giản biên chế sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, bởi lẽ nó thay thế  số công chức không đáp ứng yêu cầu công việc bằng những người đủ phẩm chất, năng lực, trình độ.
Sau khi Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, làm cơ sở để cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, điều động cán bộ, công chức cho phù hợp với từng vị trí việc làm. Đối với những người có ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm, cơ quan, đơn vị sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính trên địa bàn tỉnh. Đó cũng là một ưu điểm đáng nói của Đề án.
Xác định vị trí việc là giải pháp mới để cải cách chế độ công chức, công vụ, là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công chức hàng năm. Để đạt được mục tiêu của Đề án, cần phải có quá trình và có sự quyết tâm, đồng thuận của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Dù chỉ mới bước đầu thực hiện Đề án nhưng ngay từ thời điểm này, bản thân mỗi công chức nếu đã nhận ra mình làm việc chưa hiệu quả thì tự điều chỉnh bản thân và nỗ lực công tác. Còn đối với những công chức có ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm cũng cần tự đào tạo, bồi dưỡng thêm cho đúng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm.
                                  Doãn – Phượng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây