Phương pháp xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước

Thứ sáu - 02/08/2013 20:35 377 0

Phương pháp xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước

Xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính nhà nước là xác định rõ từng công việc cụ thể gắn với từng chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức; từ đó, xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, đơn vị.

 

Theo Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Phương pháp xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị
Từng cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan tiến hành thống kê công việc hiện đang đảm nhận. Chỉ thống kê các công việc mang tính chất thường xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại. Với những công việc có tính thời vụ, đột xuất hoặc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thì không được thống kê.
Bước 2: Phân nhóm công việc để xác định vị trí việc làm và chức danh tương ứng
Sau khi thống kê công việc của cơ quan, đơn vị thì phân nhóm công việc theo 3 nhóm: nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành; nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ.
Bước 3: Xác định các yếu tố ảnh hưởng
Vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Số lượng, khối lượng công việc được giao; chất lượng, số lượng công chức cơ quan; mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; chế độ làm việc, cách thức tổ chức công việc của cơ quan; những yếu tố đặc thù của ngành, lĩnh vực hoạt động; quy mô dân số; mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Bước 4: Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động hiện có
Các cơ quan, đơn vị phải báo cáo cụ thể số lượng, chất lượng, việc sử dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan. Qua đó phải làm rõ vấn đề: cán bộ, công chức cơ quan có đáp ứng và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hay không; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức và người lao động.
Bước 5: Xác định vị trí việc làm và xây dựng bảng danh mục vị trí việc làm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị
Trên cơ sở thống kê công việc, phân nhóm công việc, xác định các yếu tố ảnh hưởng, đánh giá thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức; các cơ quan, đơn vị xác định các vị trí việc làm và tổng hợp thành danh mục vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị. Danh mục vị trí việc làm được phân thành 3 nhóm công việc như đã nêu trên. Mỗi vị trí việc làm phải được quy về thuộc một nhóm công việc.
Sau khi đã xác định vị trí việc làm thì dự kiến số lượng biên chế cần có để bố trí theo từng vị trí việc làm. Số lượng biên chế dự kiến này chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào điều kiện, tính chất, đặc điểm công việc; khối lượng, số lượng công việc; tổ chức lao động của cơ quan…
Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm
Bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm phải thể hiện được các nội dung: mô tả các công việc, các hoạt động và thời gian phải thực hiện (nếu xác định được) để hoàn thành từng công việc, từng hoạt động; kết quả (sản phẩm) của vị trí việc làm đó; điều kiện làm việc (trang thiết bị, phần mềm quản lý, phương tiện, môi trường làm việc, phạm vi hoạt động, quan hệ công tác).
Bước 7: Xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm
Khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây dựng gồm các năng lực và kỹ năng phải có để hoàn thành các công việc, các hoạt động nêu tại Bản mô tả công việc ứng với từng vị trí việc làm.
Bước 8: Xác định ngạch công chức tương ứng và cơ cấu ngạch tương ứng
Việc xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm căn cứ vào các yếu tố: lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ; tên của vị trí việc làm; bản mô tả công việc; khung năng lực; vị trí, quy mô, phạm vi hoạt động và đối tượng phục vụ của cơ quan, đơn vị; quy định về ngạch công chức cao nhất được sử dụng trong cơ quan, đơn vị.
Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan, đơn vị là tỷ lệ của số lượng các ngạch công chức tương ứng với toàn bộ danh mục vị trí việc làm. Căn cứ dự kiến số lượng biên chế theo từng vị trí việc làm và ngạch công chức tương ứng để xác định số lượng ngạch công chức của mỗi vị trí việc làm. Việc xác định cơ cấu ngạch công chức chỉ thực hiện với các vị trí việc làm không phải thực hiện hợp đồng lao động.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đang triển khai thực hiện việc xác định vị trí việc làm theo quy định của Chính phủ. Các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện xác định vị trí việc làm theo Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ và Thông tư số 05/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng đã và đang tiến hành xác định vị trí việc làm theo Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ và Thông tư số 14/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ.                           
                                                                  Doãn – Phượng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây