Đào tạo theo chức danh
Ngày 27/11/2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (trong đó có nội dung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức xã). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 789/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2012 - 2015.
Từ khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, Sở Nội vụ đã tham mưu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để từng bước đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu trong công tác xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng theo từng chức danh, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của vị trí việc làm.
Kết quả từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng 3.760 lượt cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ theo đề án 1956. Các chức danh được đào tạo, bồi dưỡng gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội; Trưởng công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng – Thống kê; Tư pháp – Hộ tịch; Tài chính – Kế toán; Địa chính, Nông nghiệp, Xây dựng và Môi trường; Văn hóa – Xã hội. Cùng với việc bồi dưỡng theo các chức danh, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để biết cách ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính.
Ngoài ra, đã đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho 404 cán bộ, công chức cấp xã; đào tạo tiếng Khmer cho 484 cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng quản lý nhà nước cho 171 cán bộ, công chức cấp xã; bồi dưỡng lý luận chính trị cho 901 cán bộ, công chức cấp xã.
Qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí việc làm.
Thay thế những người không đủ chuẩn
Nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ thôi việc đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Những trường hợp được giải quyết chế độ thôi việc bao gồm những người không đủ sức khỏe; không đủ năng lực; không có trình độ chuyên môn; không đủ tuổi tái cử, dôi dư sau Đại hội.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, đến nay, tỉnh đã giải quyết hỗ trợ thôi việc cho khoảng 250 cán bộ, công chức cấp xã. Trong số được giải quyết chế độ thôi việc thì trường hợp giải quyết thôi việc do không có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ cao.
Chế độ thôi việc đã từng bước thay thế những người không đáp ứng về năng lực, sức khỏe, chuyên môn bằng những người đủ năng lực, sức khỏe, chuyên môn, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là các xã nông thôn mới.
Quy định tiêu chuẩn từng chức danh
Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 quy định cụ thể trình độ chuyên môn, các chuyên ngành phù hợp với các chức danh công chức xã. Quyết định được ban hành, làm cơ sở để Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyển dụng công chức cấp xã theo đúng tiêu chuẩn đối với từng chức danh, giúp nâng cao chất lượng đầu vào của công chức cấp xã.
Qua các kỳ thi tuyển, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tuyển dụng được đội ngũ công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Từ sự chỉ đạo, điều hành tích cực của UBND tỉnh, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng tăng, đến nay có trên 90% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, để góp phần xây dựng nông thôn mới cũng như đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn hiện nay thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã của tỉnh chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và lâu dài.
D.P