Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 94 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đảm bảo hoạt động theo đúng quy định, chất lượng ngày ngày nâng lên và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tây Ninh có 94 Chủ tịch Hội đồng nhân dân, 94 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; 188 ủy viên HĐND thuộc 94 xã, phường, thị trấn. 94 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội, các Ban gồm có 01 Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban và các Ủy viên đảm bảo theo quy định. Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban và các Ủy viên HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm. Cả tỉnh có 94 trưởng ban, 94 Phó trưởng ban và 376 ủy viên (hoạt động kiêm nhiệm). Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đầu nhiệm kỳ 2016-2021 là 2.661 đại biểu, cuối nhiệm kỳ là 2.403 đại biểu (giảm 258 đại biểu, trong đó: bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ 224 đại biểu; từ trần 34 đại biểu). Trong nhiệm kỳ, HĐND các xã đã tổ chức được 1.128 kỳ họp (940 kỳ họp thường lệ và 188 kỳ họp chuyên đề). Chất lượng các kỳ họp HĐND từng bước được nâng lên. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức tiếp xúc cử tri được 2.046 cuộc, số lượng ý kiến cử tri là 22.506 lượt ý kiến; tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết đạt 96,60%. Chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND ngày càng được nâng cao. Các đại biểu đã dành thời gian thích đáng nghiên cứu tài liệu, tham gia ý kiến tại các kỳ họp. Nhiều nghị quyết trước khi thông qua đã được các đại biểu tranh luận dân chủ, thẳng thắn. Một số đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, lựa chọn vấn đề trọng tâm, bức xúc đang được cử tri và dư luận quan tâm để chất vấn tại kỳ họp.
Lãnh đạo HĐND, UBND xã Phước Bình, Thị xã Trảng Bàng ra mắt tại kỳ họp thứ nhất HĐND xã. Ảnh: Tây Ninh online.
Số lượng thành viên UBND cấp xã đảm bảo bố trí đúng quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương (Chủ tịch UBND cấp xã có 94 người; Phó Chủ tịch UBND cấp xã có 169 người; Ủy viên UBND cấp xã có 188 người). Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đều có ban hành Quy chế hoạt động, phân công công việc cho từng thành viên Ủy ban nhân dân phụ trách và chịu trách nhiệm cá nhân về lĩnh vực được phân công. Các xã, phường, thị trấn đã quan tâm thực hiện kịp thời, đúng quy định các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở ấp, khu phố theo quy định của pháp luật, đặc biệt quan tâm thực hiện kịp thời việc chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức đang công tác có thay đổi trình độ đạo tạo, hỗ trợ trình độ đào tào chuyên môn đối với người hoạt động không chuyên trách.
Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, tổ chức và hoạt động chính quyền cấp xã hiện nay còn có những hạn chế nhất định: Trong cơ cấu tổ chức HĐND cấp xã thì Thường trực HĐND chỉ có 01 Phó chủ tịch là hoạt động chuyên trách, còn lại Chủ tịch, các ủy viên là hoạt động kiêm nhiệm; HĐND xã không có bộ máy giúp việc riêng nên hầu như tất cả hoạt động của HĐND xã do đồng chí Phó chủ tịch xã chuyên trách đảm nhiệm. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND cấp xã có lúc chưa thường xuyên. Hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND tại kỳ họp còn hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri, những nội dung cam kết sau trả lời chất vấn có nơi, có việc chưa kịp thời; Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã thường xuyên biến động, ảnh hưởng không ít đến hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Hạn chế nêu trên là do các nguyên nhân: Đa số đại biểu HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm, số lượng đại biểu chuyên trách còn hạn chế, ảnh hưởng đến khối lượng công việc, chất lượng hoạt động của HĐND. Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm trung bình 2 người/xã, dẫn đến áp lực công việc nên nhiều cán bộ, công chức thôi việc, nghỉ việc. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã khối lượng công việc nhiều tương đương cán bộ, công chức cấp xã nhưng không có các chính sách đãi ngộ như cán bộ công chức (thời gian công tác không được xét nâng lương, không có công tác phí khi đi công tác…). Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, quy trình tuyển dụng, công tác quản lý đối với người hoạt động không chuyên trách mà chỉ mới dừng lại ở việc quy định số lượng, do đó việc quản lý đối tượng này còn khó khăn.
Thiết nghĩ, để hoạt động chính quyền cấp xã thời gian tới ngày càng có hiệu quả bộ, ngành Trung ương cần xem xét, bổ sung thêm số lượng cán bộ, công chức cấp xã (tăng thêm so với Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ), để địa phương sắp xếp, bố trí đảm bảo mỗi chức danh công chức cấp xã có ít nhất 02 người phụ trách, kể cả xã loại II. Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh nâng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách phù hợp với mức sống xã hội hiện tại, hạn chế tình trạng xin nghỉ việc, thôi việc vì lý do cuộc sống khó khăn./.
Phương Thảo - Phòng XDCQ&CTTN
Tác giả: Qu?n tr, Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc