Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 xã An toàn khu thuộc tỉnh Tây Ninh

Thứ tư - 14/09/2022 16:16 748 0
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 8/9/2022 công nhận 4 xã An toàn khu tại tỉnh Tây Ninh.4 xã được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ gồm: Xã Tân Bình và xã Tân Lập thuộc huyện Tân Biên; xã Tân Thành thuộc huyện Tân Châu và xã Đôn Thuận thuộc thị xã Trảng Bàng.
Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 xã An toàn khu thuộc tỉnh Tây Ninh

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 8/9/2022 công nhận 4 xã An toàn khu tại tỉnh Tây Ninh.

4 xã được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ gồm: Xã Tân Bình và xã Tân Lập thuộc huyện Tân Biên; xã Tân Thành thuộc huyện Tân Châu và xã Đôn Thuận thuộc thị xã Trảng Bàng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng. Sau Đại hội II của Đảng tại Việt Bắc (năm 1951), Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam đóng tại vùng rừng rậm Bắc Tây Ninh (thuộc địa bàn các huyện Tân Biên, Tân Châu,… ngày nay). Theo đó, Tây Ninh là địa bàn hoạt động của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Xã Tân Bình và xã Tân Lập thuộc huyện Tân Biên nằm trong Khu Căn cứ địa Bắc Tây Ninh (rừng Quốc gia Xa Mát - Lò Gò và Căn cứ Chàng Riệc), thuộc quận C105 (tiền thân của huyện Tân Biên ngày nay). Nơi đây được chọn xây dựng căn cứ của các cơ quan đầu não cách mạng của Đảng như: Căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Trụ sở của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Trường Nguyễn Văn Trỗi, Trường Sư phạm cấp II, Trụ sở Tòa soạn Báo Giải phóng, nơi thành lập Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền,… Đồng thời cũng là nơi ở, làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh (Bí thư Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1964), đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Bí thư Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1964-1967), đồng chí Phạm Hùng (Bí thư Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1967-1975).

Nhà trưng bày căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam

(Di tích Quốc gia đặc biệt), tọa lạc tại ấp Tân Tiến, xã Tân Lập

Xã Tân Thành thuộc huyện Tân Châu có Căn cứ X40- Đồng Rùm, nơi hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ như: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà,… Ngày 20/7/1974, tại rừng Đồng Rùm, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam công bố quyết định thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), là một trong những quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xã Đôn Thuận thuộc thị xã Trảng Bàng có Căn cứ Bời Lời, là địa bàn nơi có nhiều đồng chí chỉ huy tình báo nổi tiếng như: Trần Văn Hương, Trần Văn Danh, Lê Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang),… Đồng thời, nơi đây còn là nơi đóng quân của các tổ chức hậu cần, quân y, quân trang, vận tải và là hậu cứ của các cơ quan đầu não Quân khu Sài Gòn-Gia Định, Phân khu 1 (sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968), với các đơn vị chủ lực của Phân khu 1 như: Trung đoàn 16, Trung đoàn 268 và một số đơn vị chuyên môn của Trung ương Cục miền Nam. Để ghi nhận các chiến công và đóng góp của lực lượng vũ trang và Nhân dân nơi đây trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xã Đôn Thuận thuộc thị xã Trảng Bàng đã được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Việc 04 xã được công nhận là xã ATK không những là vinh dự cho toàn Đảng bộ và Nhân dân Tây Ninh mà còn là sự đánh giá khách quan của lịch sử, sự tôn vinh xứng đáng đối với công lao, đóng góp to lớn của các khu căn cứ cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tại địa phương trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ; là sự tri ân đối với các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, những cán bộ, chiến sỹ, quần chúng Nhân dân đã không tiếc máu xương và của cải để viết lên những trang sử vẻ vang của mảnh đất này và để cán bộ, Nhân dân các xã tiếp tục phát huy hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng của vùng đất kháng chiến năm xưa; giáo dục các thế hệ con cháu ghi nhớ, học tập và tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. 

 

Tác giả: Phương Thảo - Phòng XDCQ&CTTN

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây