Thi đua là yêu nước

Thứ tư - 13/06/2018 22:00 332 0

Thi đua là yêu nước

Ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc tổ chức và thực hiện phong trào thi đua trong cả nước: từ việc chọn cụ Hoàng Đạo Thúy làm Trưởng ban Thi đua Trung ương, tặng cụ chiếc quạt “để quạt cho phong trào phát triển”, đến việc thường xuyên viết bài, nói chuyện về thi đua, theo dõi sát sao việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, các ngành, các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thông qua phong trào thi đua yêu nước, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam như truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, tiết kiệm, kiên cường bất khuất, sáng tạo trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa và cũng rất thủy chung, nhân ái, chan hoà trong lối sống... ngày một được bồi đắp và phát triển.

70 nam Thi dua 2.JPG
Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Hoàn cảnh ra đời

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống Nhân dân.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Với ý chí "thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: "… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công".

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc".

Tư tưởng Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, được hình thành trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản chủ nghĩa Mác-Lênin về thi đua, về thi đua xã hội chủ nghĩa, về vai trò của quần chúng và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc, cùng đường lối và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp Nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất".

Trong "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng mục đích của thi đua, yêu cầu thi đua phải toàn diện, cụ thể và phong trào phải "ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và trong mọi tầng lớp Nhân dân" để từng bước đưa cuộc kháng chiến của Nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Người mong các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào phú hào, công nông, trí thức nhân viên Chính phủ, bộ đội dân quân "ai cũng thi đua", "ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc", thi đua "Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm" để tiến tới đạt được mục đích lâu dài: "Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc".

Thi đua yêu nước, "cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân" - đó là mục đích lớn nhất, cao cả nhất. Tùy từng thời điểm với những nhiệm vụ cụ thể, song theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung của thi đua yêu nước phải gắn liền với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự... nhằm từng bước đem lại hạnh phúc cho Nhân dân một cách tích cực.

Theo Người, càng gặp khó khăn nhiều, chúng ta càng phải thi đua, thi đua một cách tích cực và thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Khi mỗi người tự chiến thắng những tính xấu trong mình, thi đua sẽ "giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi", để "nước ta sẽ độc lập và thống nhất thật sự. Dân ta sẽ no ấm và giàu mạnh thật sự".

Thể hiện một cách độc đáo, sáng tạo quan niệm về thi đua, lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước; đồng thời "lấy yêu nước để thúc đẩy phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả của thi đua", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho phong trào thi đua yêu nước của Nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mang đậm bản sắc dân tộc Việt, đậm cốt cách tâm hồn người dân Việt; có sức mạnh tinh thần to lớn, gắn liền, phát triển cùng lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thi đua xây dựng con người Xã hội chủ nghĩa

Gắn thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức mới, đạo đức của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Khẩu hiệu thi đua yêu nước là "Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta".

Người đã thổi vào phong trào thi đua một nội dung mới, coi thi đua không chỉ dừng lại ở khía cạnh hoạt động vật chất, mà còn bao hàm nội dung tinh thần, là biểu hiện cao của tình yêu quê hương đất nước, là tấm lòng của mỗi người dân Việt với non sông gấm vóc mà ông cha ta đã gây dựng lên.

Khẳng định ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người"; "nhờ có thi đua mà nhân tài càng phát triển, của cải càng dồi dào, Nhân dân càng sung sướng"; "mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua và đều có thành tích".

Đồng thời, cùng với thi đua yêu nước, việc đấu tranh xoá bỏ cái cũ, cải tạo và xây dựng cái mới, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ chỗ từng bước chiến thắng bản thân đến chỗ "chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta" cũng góp phần xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Do đó, thi đua một cách thiết thực và tích cực sẽ giúp mỗi người chiến thắng những tật xấu, hướng về những điều tốt đẹp, dẹp bỏ dần những thói hư, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; đồng thời, làm cho mỗi người nâng cao tinh thần tiết kiệm, ý thức giữ gìn của công và hướng lòng mình đến chí công vô tư.

Thông qua phong trào thi đua, mỗi người sẵn sàng tiếp nhận một cách tự giác những nét đẹp mới trong đạo đức, lối sống, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn - ở đó, mình sống vì mọi người và mọi người sống vì mình.

Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay

70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi Thi đua ái quốc", ngọn cờ thi đua yêu nước đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng Nhân dân, vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự sâu sắc.

Phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng mạnh mẽ qua các thời kỳ, sâu, rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các lực lượng vũ trang… với nhiều nội dung phong phú và hình thức sinh động, góp phần động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng: Phong trào thi đua và công tác khen thưởng phải nhằm động viên được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, phải thực sự trở thành phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý của Nhà nước và là động lực to lớn, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với việc "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân.

Thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đổi mới công tác khen thưởng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, bảo đảm thi đua được tạo dựng từ phong trào của quần chúng và được quần chúng tích cực hưởng ứng, tham gia. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước phải thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tránh hình thức, phô trương. Nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương, từng đơn vị cơ sở.

Kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, gương điển hình tiên tiến ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực; cổ vũ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng dân tộc thiểu số. Khắc phục bệnh thành tích, tính hình thức trong thi đua, khen thưởng.

Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Đổi mới nội dung hoạt động và chú trọng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động về thi đua, khen thưởng, đảm bảo tính khách quan, chính xác trong việc xét khen thưởng.

Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghề nghiệp, đủ tầm tham mưu cho các cấp ủy, người đứng đầu về công tác thi đua, khen thưởng.

       Thái Thành

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây