UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 870/KH-UBND về phát động thi đua xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Với Chủ đề "Tập trung nguồn lực, phát huy sáng kiến, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, ra sức thi đua xây dựng thành công Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Tây Ninh'', UBND tỉnh đề ra mục tiêu: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số kết hợp với từng bước xây dựng Đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, minh bạch trong hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, cung cấp dịch vụ công thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đưa Tây Ninh là một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát triển mạnh về Chính quyền điện tử, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các ngành, lĩnh vực; từng bước xây dựng Đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của tỉnh đạt mức độ khá trong toàn quốc, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và chuyển đổi số Quốc gia. Đảm bảo vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong quá trình xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử.
Việc phát động phong trào thi đua nhằm góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tạo sự thống nhất giữa các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trong việc tham gia, thực hiện Chính quyền điện tử. Góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ số, đẩy mạnh tăng cao năng suất lao động và khởi nghiệp sáng tạo.
Về nội dung thi đua bao gồm: Tập trung thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tại Kế hoạch số 794/KH-UBND ngày 23/4/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Thi đua thực hiện có hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước; Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan Nhà nước" giai đoạn 2020 - 2025.
Thi đua xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính quyền điện tử tỉnh; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực, hiệu quả. Việc xây dựng Chính quyền điện tử gắn với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân. Quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật An ninh mạng.
Thi đua trong huy động, đảm bảo các nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử. Đẩy mạnh phong trào thi đua trong nghiên cứu, đề xuất triển khai chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới tại địa phương. Động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức chung tay xây dựng, vận hành Chính quyền điện tử, nâng cao trình độ để khai thác, ứng dụng các hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng; khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; duy trì, phát huy hiệu quả các phần mềm chuyên ngành đã triển khai; tăng cường nghiên cứu, xây dựng các phần mềm ứng dụng phục vụ cho công tác nhằm nâng cao năng suất làm việc, hiện đại hóa nền hành chính. Tích cực trong rà soát tích hợp dữ liệu của các phần mềm chuyên ngành với các phần mềm có liên quan của tỉnh như Hệ thống Một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công của tỉnh...Triển khai các sàn giao dịch điện tử trên địa bàn tỉnh, phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ trên nền tảng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai cung cấp dịch vụ Đô thị thông minh cho người dân.
Xây dựng Chính quyền điện tử gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Đảng và Nhà nước. Nâng cao năng lực, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích khi thực hiện các thủ tục hành chính theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ./.
Thái Thành
Ý kiến bạn đọc