Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thứ hai - 28/04/2014 14:40 178 0

Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngày 04/4/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Theo Nghị định, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm có các sở và cơ quan ngang sở) phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh và sự thống nhất, thông suốt, quản lý ngành, lĩnh vực công tác từ trung ương đến cơ sở. Tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; không nhất thiết ở Trung ương có Bộ, cơ quan ngang Bộ thì cấp tỉnh có tổ chức tương ứng. Phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước. Không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với các tổ chức thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ đặt tại địa phương.
Cơ cấu tổ chức của các sở và cơ quan ngang sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm có: Văn phòng; thanh tra; phòng chuyên môn, nghiệp vụ; chi cục; đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với thanh tra, chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập không nhất thiết phải thành lập tại các sở. Riêng Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Cổng Thông tin điện tử.
Các sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương gồm 17 sở: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ngoài ra còn có các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương như Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Cơ quan chuyên môn đặc thù khác chỉ được tổ chức khi thật cần thiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương.
Nghị định cũng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng sở và trách nhiệm của Giám đốc Sở. Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các công việc được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công hoặc ủy quyền. Không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình lên Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đủ khả năng và điều kiện để giải quyết thì Giám đốc sở phải chủ động làm việc với Giám đốc sở có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, gây thiệt hại trong tổ chức, đơn vị thuộc quyền sở quản lý. Bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp Trưởng và Phó của cấp Trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2014, thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 16/2009/NĐ-CP ngày 16/2/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 13/2008/NĐ-CP.
                                            D.P
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây