Gần 70 công chức, viên chức tham dự Hội nghị đã được quán triệt văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, công chức, viên chức đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến góp ý liên quan đến chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; văn hóa, xã hội; chính quyền địa phương.
Về chế độ chính trị, một số ý kiến cho rằng, tại Điều 5 của dự thảo “nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” là chưa đủ, phải bổ sung “nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ tôn giáo”. Cụ thể là: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo.”
Tại khoản 3, Điều 13 có ghi: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”, đề nghị quy định rõ bài hát gồm cả 2 lời hay chỉ có 1 lời, vì thực tế bài hát gồm 2 lời nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu hát 1 lời (lời 1).
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, một số ý kiến đề nghị, nên bỏ khoản 2, Điều 18: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất giao nộp cho Nhà nước khác”. Vì nếu công dân Việt Nam có hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài), thì dù chịu sự quy định của luật pháp Việt Nam nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh bởi luật pháp nước khác, tập quán và pháp luật quốc tế.
Điều 21 có ghi: “Mọi người có quyền sống”, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm 2 quyền là quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc vì đây là các quyền cơ bản nhất của con người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 02/9/1945.
Tại khoản 2, Điều 25 của dự thảo Hiến phápcó ghi:“Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Một số ý kiến đề nghị nên bổ sung cụm từ hợp pháp trước cụm từ “…được pháp luật bảo hộ”, cụ thể là “Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp được pháp luật bảo hộ”. Vì trên thực tế, nước ta đã xuất hiện một số tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức thì tất nhiên nơi thờ tự của tổ chức tôn giáo này chưa hợp pháp, nên pháp luật không thể bảo hộ. Pháp luật chỉ bảo hộ đối với những nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp.
Về văn hóa, xã hội, có một số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “vừa là mục tiêu, vừa…” vào khoản 1, Điều 64 cho rõ nghĩa hơn, cụ thể là “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước”.
Về Chính quyền địa phương, một số ý kiến đề nghị làm rõ Ủy ban nhân dân do ai bầu ra, lập ra; đồng thời đề nghị sửa đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính cho phù hợp hơn với chức năng, nhiệm vụ.
Ngoài ra có một số ý kiến cho rằng trong Hiến pháp không nên dùng từ đa nghĩa, từ Hán việt mà nên dùng từ đơn nghĩa từ thuần việt. Chẳng hạn như không nên dùng từ “ dân tộc thiểu số “ mà dùng cụm từ “ dân tộc ít người “ .
Các ý kiến góp ý của công chức, viên chức Sở Nội vụ đã được tổng hợp đầy đủ và gửi về Hội đồng nhân dân tỉnh.
D.P