Nhiều đổi mới trong thực hiện phong trào thi đua, công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Thứ hai - 14/08/2017 19:00 88 0

Nhiều đổi mới trong thực hiện phong trào thi đua, công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh đánh giá: qua 13 năm triển khai thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước về TĐKT và triển khai, phát động các phong trào thi đua, thực hiện công tác khen thưởng ở các cấp, các ngành.

     Ngay sau khi Luật TĐKT được ban hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện; chỉ đạo nâng cao nhận thức của Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác TĐKT, tạo sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp, của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

     Theo tinh thần đổi mới, những năm qua tỉnh Tây Ninh đã tổ chức được 172 Khối Thi đua và đang hoạt động hiệu quả, trong đó có 17 Khối do UBND tỉnh tổ chức, 85 khối do UBND các huyện, thành phố tổ chức và 70 Khối Thi đua do các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tổ chức. Hoạt động các Khối Thi đua đã từng bước đi vào nền nếp và ngày càng có tác dụng tích cực, hiệu quả hơn.

      Trên cơ sở tổ chức các Cụm, Khối Thi đua, UBND tỉnh Tây Ninh quy định tỷ lệ xét tặng danh hiệu các Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng tương ứng với thứ hạng của đơn vị, địa phương đạt được trong Cụm, Khối; kích thích sự phấn đấu và tương ứng thành tích của đơn vị, địa phương.

       Các khối thi đua, sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố thông qua hội nghị chuyên đề, giao ban, giao lưu trao đổi nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng để nâng cao nhận thức và cập nhật thông tin mới về TĐKT; đặc biệt huyện Dương Minh Châu tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật TĐKT cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang trong huyện.

       Trong những năm qua Tây Ninh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; trong từng thời gian và điều kiện cụ thể, tỉnh đã phát động thi đua thường xuyên, các đợt thi đua ngắn ngày, thi đua theo chuyên đề như: thi đua thực hiện 03 Chương trình đột phá (nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kết cấu hạ tầng và cải cách hành chính), "Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới", thi đua lập thành tích chào mừng 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển…. Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh phối hợp Lãnh đạo các tổ chức hội, đoàn thể tỉnh thống nhất nội dung, giải pháp, hình thức thi đua, đối tượng khen thưởng, triển khai sâu rộng trong tổ chức hội, đoàn thể, các ngành liên quan từ tỉnh đến cơ sở.

        Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều nhân tố mới xứng đáng được biểu dương, khen thưởng. Việc khen thưởng kịp thời cũng góp phần cổ vũ, động viên các phong trào thi đua của tỉnh, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Trong thời gian qua, tỷ lệ khen thưởng cho nông dân, công nhân, chiến sĩ, người lao động trực tiếp, công chức, viên chức không làm công tác quản lý đạt trên 67% tổng số cá nhân được khen thưởng.

         Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh, qua 13 năm thực hiện Luật TĐKT, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những bất cập như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng của Nhà nước nhiều lần sửa đổi nhưng cũng chưa được hoàn thiện, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TĐKT; phong trào thi đua yêu nước phát triển chưa đồng đều, tại một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức, hành chính hoá; công tác xây dựng điển hình tiên tiến, tuyên truyền nhân rộng điển hình chưa đáp ứng tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị; hiện nay cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng tại ở các xã, phường, thị trấn rất khó khăn, không có biên chế và chế độ đãi ngộ.

         Nguyên nhân của những bất cập trên là do: một số nơi, Cấp ủy, Chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác TĐKT trong giai đoạn hiện nay, coi nhẹ chỉ đạo thi đua, nặng về khen thưởng; chưa tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc phong trào thi đua cũng như sơ kết đánh giá phong trào nghiêm túc; chưa có trường đào tạo cán bộ về TĐKT, nên việc kiện toàn tổ chức đi đôi với việc bố trí, phân công cán bộ và xây dựng chức danh, tiêu chuẩn cán bộ còn gặp nhiều lúng túng; thi đua là toàn dân, toàn diện, Luật TĐKT có đối tượng điều chỉnh khá rộng, nhưng tiêu chuẩn khen thưởng cho từng đối tượng còn mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa, chủ yếu tập trung trong cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, vì vậy trong thực hiện còn nhiều vướng mắc; đặc biệt chưa quy định rõ việc khen thưởng trong cơ quan của Đảng, cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp, cơ quan lập pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; việc tổ chức xét, trao danh hiệu, giải thưởng của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các Hiệp hội chưa đảm bảo theo quy định của Luật TĐKT.

         Nhằm khắc phục tình trạng trên, tỉnh Tây Ninh đề nghị cấp Trung ương quan tâm sửa đổi Luật TĐKT theo hướng bảo đảm thi hành lâu dài, tránh việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật cũng cần hệ thống tinh gọn, bao quát hết các đối tượng, tiêu chuẩn tiêu chí cụ thể; tiến hành luật hóa các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng TĐKT Trung ương có nội dung liên quan đến phong trào thi đua, công tác khen thưởng.

        Các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các Hiệp hội khi ban hành thông tư, các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác TĐKT trong nội bộ ngành, cần thống nhất với quy định của Luật TĐKT, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

      Thái Thành

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây