Ngày 14/11/2022, Quốc hội đã ban hành Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 (gọi tắt là Luật Thanh tra năm 2022) có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, thay thế Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 15/11/2010. Luật Thanh tra năm 2022 có 08 chương với 118 Điều với những điểm mới cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về thành lập Thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ: Luật cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong các trường hợp sau: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ; ngoài ra, Luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
Thứ hai, về thành lập Thanh tra sở: Luật Thanh tra năm 2022 quy định Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra.
Thứ ba, về hoạt động thanh tra: Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp với nội dung công việc khá cụ thể và đầy đủ.
Thứ tư, quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra: Nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo tính khả thi của các Kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ về việc thẩm định Kết luận thanh tra; Luật quy định việc thẩm định là thủ tục bắt buộc đối với dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh; đối với dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết; Luật quy định giám sát là trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra cử người thực hiện giám sát hoặc thành lập Tổ giám sát để bảo đảm cuộc thanh tra được tiến hành đúng nội dung, phạm vi, thời gian thanh tra.
Thứ năm, về ban hành Kết luận thành tra: Luật Thanh tra năm 2022 quy định: Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.
Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra; Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh là cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.
Thứ sáu, về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước: Theo đó, kế hoạch thanh tra được tập trung về các đầu mối theo hướng mỗi Bộ có một kế hoạch thanh tra chung của; mỗi tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra chung của tỉnh; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra: Luật quy định khi xảy ra chồng chéo thì có sự bàn bạc, trao đổi, nếu không thống nhất được thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ tiến hành thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước thông qua việc tăng cường phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin từ khâu lập kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán đến quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, việc tham khảo, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán.
Thứ bảy, chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022 và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022; theo đó, hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở./.
Tác giả: Ngọc Diễm
Ý kiến bạn đọc