Ngày 06/6/2023, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra. Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phải thực hiện nghiêm những nội dung sau:
Thứ nhất, giai đoạn chuẩn bị thanh tra: Thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ đạo thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra tiến hành thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, trong đó, phải làm rõ nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra, có trọng tâm, trọng điểm, tính khả thi, đồng thời dự kiến nhân sự đoàn thanh tra là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra.
Thứ hai, giai đoạn thanh tra: Đoàn thanh tra có trách nhiệm tiến hành thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt, không được bỏ lọt, bỏ sót nội dung, đối tượng, phạm vi thanh tra; tập trung thu thập, nghiên cứu thông tin, tài liệu, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra; yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, giải trình; làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, củng cố chứng cứ và lập biên bản ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật; trên cơ sở đó, kiến nghị ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định ngay việc chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật (không chờ đến khi kết thúc thanh tra, kết luận thanh tra); đồng thời, thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết.
Đối với vụ việc phức tạp, cơ quan thanh tra tổ chức cuộc họp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát cùng cấp để phân tích, đánh giá hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, thống nhất xác định dấu hiệu tội phạm trước khi chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Khi thấy cần thiết, trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đối tượng thanh tra không có thời gian, cơ hội tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tiền, tài sản đã chiếm đoạt.
Trường hợp phát hiện tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra cấp có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, người được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Trường hợp phát hiện đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra vi phạm pháp luật hoặc bao che, bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua vi phạm của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì báo cáo thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ ba, giai đoạn kết thúc thanh tra: Đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra, cùng thủ trưởng đơn vị tham mưu người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý chính xác, kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, không được bao che, bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào của đối tượng thanh tra, nhất là các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu ra các giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra, tạo bước đột phá trong thực hiện nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, trong thời gian tới, ngành Thanh tra cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp mà Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ đề ra.
Tác giả: Qu?n tr, Ngọc Diễm
Ý kiến bạn đọc