Chương trình Cải cách hành chính: cần tăng tốc để đạt được chỉ tiêu đề ra .

Thứ hai - 04/11/2013 14:05 140 0

Chương trình Cải cách hành chính: cần tăng tốc để đạt được chỉ tiêu đề ra .

Thực hiện Kế hoạch số 93-KH/TU, ngày 30/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giám sát việc thực hiện ba Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX; chiều ngày 31/10, tại Sở Nội vụ, Đoàn giám sát của Tỉnh ủy đã đến giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Phan Văn Sử - Giám đốc Sở Nội vụ trong công tác cải cách hành chính của tỉnh.

 

Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - làm Trưởng đoàn và đại diện Lãnh đạo của một số cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Phan văn Sử - Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo tại buổi giám sát
Tại buổi giám sát, đồng chí Phan Văn Sử - Giám đốc Sở Nội vụ đã báo cáo kết quả 2,5 năm thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX “về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015”.
Chương trình cải cách hành chính được coi là một trong ba khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (hai chương trình còn lại là: Chương trình phát triển nguồn nhân lực; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông). Với vai trò Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình CCHC, thời gian qua đồng chí đã tích cực tham mưu UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Việc kiểm tra công tác CCHC được chú trọng và tăng cường, đồng chí đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 06/6/2013 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả thời gian làm việc trong các cơ quan, đơn vị và tiến hành kiểm tra một số đơn vị. Kết quả kiểm tra bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp CBCC nâng cao trách nhiệm thực hiện CCHC và nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.
           Tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tạo động lực để các ngành, các cấp thi đua cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
            Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước : tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thuộc UBND cấp huyện. Đến nay, đã có 18/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 11/12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện được quy định chức năng, nhiệm vụ. Phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục được rà soát, khắc phục tình trạng bỏ trống quản lý đối với một số lĩnh vực.
           Về cải cách chế độ công vụ, công chức : đã triển khai cho các đơn vị xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Chế độ tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức chặt chẽ, công khai, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh. Qua 2,5 năm thực hiện, đã tuyển dụng được 399 công chức, 1.897 viên chức sự nghiệp, cử 52 cán bộ, công chức, viên chức thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; phê duyệt kết quả chuyển xếp loại viên chức cho 2.440 người.
           Quan tâm đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về tỉnh công tác. Đã liên kết với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Kết quả, đã cử trên 4.300 lượt cán bộ, công chức, viên chức đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức với nhiều lĩnh vực chuyên môn, trình độ khác nhau (tiến sĩ, thạc sĩ, bồi dưỡng chuyên môn, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, kiến thức quốc phòng…). Đào tạo 968/1.029 công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn chức danh, đạt tỷ lệ 94%; số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn hàng năm đạt trên 1.000 lượt người...
            Bên cạnh đó, đồng chí cũng nhận thấy một số hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, công tác cải cách hành chính của tỉnh như chính sách thu hút những người tài đạt kết quả chưa cao. Đến nay, chỉ mới thu hút được 01 thạc sĩ được đào tạo trong nước; chưa thu hút được người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo tại nước ngoài, có ngành nghề đào tạo phù hợp theo yêu cầu của tỉnh. Tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do cơ quan hành chính cung cấp còn thấp so với mục tiêu đề ra. Một số thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đầu tư thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông vẫn chưa đạt yêu cầu, còn kéo dài thời gian giải quyết. Việc phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực về đất đai, quản lý bảo vệ môi trường,... vẫn chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của ngành, chính quyền các cấp ở địa phương.
          Đoàn giám sát đã đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX “về cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015” của đồng chí Phan Văn Sử. Từ khi thực hiện Chương trình hành động, công tác cải cách hành chính ngày càng được đẩy mạnh, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước được cá nhân, tổ chức đồng tình ủng hộ, đánh giá cao so với trước đây.  
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số hạn chế như, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đạt còn thấp so với yêu cầu Nghị quyết đề ra. Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh, làm sao phải giảm tối đa chi phí cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính. Bởi lẽ, người dân và doanh nghiệp vẫn còn tốn nhiều thời gian, chi phí cho việc giải quyết TTHC, nhất là TTHC liên quan đến đất đai, đầu tư. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị chưa công khai đầy đủ các TTHC tại nơi giao dịch và trên trang thông tin điện tử để người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng: “Cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không phải nhiệm vụ của riêng Sở Nội vụ. Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh chưa mang lại kết quả như ý muốn, năm 2013 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tây Ninh tụt hạng so với năm trước. Do đó, Sở Nội vụ, Giám đốc Sở có trách nhiệm rất lớn trong việc tham mưu các chính sách, giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh”.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo trên, đồng chí Phan Văn Sử cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu, tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Đồng chí cũng đưa ra một số kiến nghị với Đoàn giám sát, đó là tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức đồng bộ giữa cơ quan Đảng và cơ quan hành chính Nhà nước. Thực hiện thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp Sở và tương đương trở xuống, nhằm tạo sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tuyển chọn được người có năng lực, phẩm chất. Đồng thời, sát hạch hàng năm và thực hiện chế độ tập sự đối với CBCC lãnh đạo, quản lý.
                                                                        D.P

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây