Chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975

Thứ năm - 16/05/2019 15:00 180 0

Chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975

Ngày 06/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2017/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với TNXP cơ sở ở Miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; Theo đó, Nghị định này quy định chế độ trợ cấp một lần; trợ cấp hằng tháng; trợ cấp mai táng và chính sách vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 26/3/1965 đến ngày 30/4/1975 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Ngày 06/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2017/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với TNXP cơ sở ở Miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975;

Theo đó, Nghị định này quy định chế độ trợ cấp một lần; trợ cấp hằng tháng; trợ cấp mai táng và chính sách vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 26/3/1965 đến ngày 30/4/1975 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Điều kiện áp dụng

Người được hưởng chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này phải đảm bảo các điều kiện sau đây: 1- Được huy động tham gia kháng chiến theo Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ nhất ngày 26/3/1965. 2- Tham gia tổ chức thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam do Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam hoặc chính quyền cách mạng cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành lập dưới các hình thức tổ chức như: Đại đội, trung đội, phân đội, tiểu đội, đội hoặc lấy tên đơn vị thanh niên xung phong gắn với địa danh, cấp hành chính. 3- Độ tuổi tham gia thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam từ 16 đến 30 tuổi. Trường hợp đặc biệt dưới 16 tuổi, có sức khỏe tốt, tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam và được các đơn vị thanh niên xung phong cơ sở chấp thuận nhưng không dưới 14 tuổi. 4- Có thời gian hoạt động tại cơ sở (xã, ấp, liên xã, liên huyện) từ ngày 26/3/1965 đến ngày 30/4/1975. 5- Phương thức hoạt động không tập trung. 6- Thực hiện một trong các nhiệm vụ sau: làm giao liên dẫn đường, diệt ác ôn và chống tề; làm công tác địch vận, tổ chức hoạt động liên lạc với những người của cách mạng hoạt động trong tổ chức của địch; bảo vệ và chăm, nuôi cán bộ cách mạng; trực tiếp tải thương, tiếp đạn phục vụ lực lượng vũ trang chính quy, và lực lượng vũ trang địa phương; trực tiếp vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men, tài liệu từ vùng địch chiếm đóng ra căn cứ và ngược lại; lập ấp, xã chiến đấu, tham gia xây dựng chiến hào, làm đường phục vụ kháng chiến; phá hủy cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị phục vụ chiến tranh của địch; tham gia phục vụ chiến đấu hoặc tham gia phục vụ các chiến trường khi có yêu cầu của cấp trên; tham gia thực hiện một số nhiệm vụ khác do tổ chức cách mạng phân công.

Chế độ, chính sách

Trợ cấp một lần: 1- Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định này được hưởng chế độ trợ cấp một lần, tính theo số năm thực tế tham gia thanh niên xung phong cơ sở. Trường hợp có thời gian tham gia thanh niên xung phong cơ sở ở các đợt khác nhau hoặc gián đoạn thì được cộng dồn để tính hưởng chế độ, cụ thể như sau: từ đủ 02 năm trở xuống, mức trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng; trên 02 năm thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng. Khi tính thời gian thực hiện chế độ trợ cấp một lần, nếu có tháng lẽ thì từ đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính nửa (1/2) năm. 2- Trường hợp thanh niên xung phong cơ sở miền Nam có giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này nhưng không thể hiện cụ thể thời gian tham gia kháng chiến thì được hưởng mức 2.500.000 đồng. 3- Trường hợp thanh niên xung phong cơ sở miền Nam đã từ trần trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì thân nhân của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng.

Trợ cấp hằng tháng, thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hằng tháng mức 540.000 đồng. Mức trợ cấp này sẽ được điều chính tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trợ cấp mai táng, thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam khi từ trần thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trường hợp thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam từ trần sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng quy định tại Nghị định này thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 1 Điều này.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống, khi vay vốn phải được Ủy ban nhân dân xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận thuộc đối tượng vay vốn để sản xuất, kinh doanh; mức vay, lãi suất vay, thời hạn vay vốn, phương thức cho vay và các quy định cho vay khác được áp dụng như đối với chương trình cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ; việc xử lý nợ rủi ro vốn vay thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về hồ sơ, quy trình, thời hạn giải quyết chế độ, chính sách đối với từng chế độ: trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp mai táng, vay vốn sản xuất, kinh doanh…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2017.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây