Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải quản lý chặt chẽ biên chế, trên tinh thần giữ ổn định biên chế đến hết năm 2016. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong số biên chế hiện có.
Riêng đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo khi xây dựng trường mới, tăng lớp, tăng học sinh và lĩnh vực y tế nếu tăng giường bệnh…thì có thể bổ sung biên chế phù hợp.
Cũng theo UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế đã được tinh giản và không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định. Chẳng hạn như, nếu cơ quan, đơn vị giảm được 10 biên chế thì chỉ được phép tuyển vào 5 biên chế, còn 5 biên chế phải đưa vào quỹ dự phòng.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu phải là 10% biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp thì khuyến khích chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, thay việc trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Để đạt được mục tiêu tinh giản biên chế, UBND tỉnh cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị tăng cường kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở ấp, khu phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức cấp xã.
Được biết, trong năm 2015 tỉnh Tây Ninh có 51 trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ (bao gồm cả nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc). Sở Nội vụ đang tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ thẩm tra danh sách tinh giản biên chế đợt 1 năm 2016 cho 37 trường hợp.
D.P