Tây Ninh tích cực đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ tư - 26/03/2014 18:15 195 0

Tây Ninh tích cực đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chính vì thế Tây Ninh đã và đang có nhiều chương trình, để án để đào tạo, thu hút nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh cho chủ trương phối hợp với Trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) đào tạo lớp Thạc sĩ tiên tiến chuyên ngành Quản trị hành chính công (trình độ quốc tế) cho cán bộ, công chức của tỉnh.

 

Dự kiến, trước mắt sẽ tuyển chọn khoảng 15 người đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để đưa đi đào tạo tại Trường Đại học Quốc tế trong khoảng thời gian 2 năm (2014-2016).
Đối tượng được tuyển chọn là những cán bộ, công chức trẻ (dưới 40 tuổi), thuộc diện quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý. Trường hợp không thuộc diện quy hoạch thì căn cứ vào năng lực, phẩm chất, tinh thần phấn đấu học tập của cá nhân đó để về phục vụ lâu dài tại địa phương.
Việc liên kết mở khóa đào tạo này nhằm mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh giỏi về chuyên môn, có kỹ năng lãnh đạo và biết sử dụng tiếng Anh trong quan hệ giao tiếp và làm việc, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.
Thực ra, không phải đến bây giờ tỉnh Tây Ninh mới có chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài đã được ban hành từ năm 1999 và sửa đổi gần đây nhất là vào năm 2012. Theo đó, hàng năm tỉnh đều cử và hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức của tỉnh tham gia đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ. Theo thống kê của Sở Nội vụ, chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã cử khoảng 300 cán bộ, công chức đi đào tạo sau đại học. Hàng năm tỉnh cũng đã trích nguồn ngân sách khá lớn để chi cho công tác đào tạo sau đại học, mỗi năm khoảng trên 10 tỷ đồng.
Ngoài việc ban hành Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, từ năm 2010, tỉnh đã ban hành Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010 – 2015 (Đề án số 21). Mục tiêu của Đề án là đến năm 2015 đào tạo 100 người (10 tiến sĩ, 90 thạc sĩ) ở nước ngoài.
Cho dù tỉnh đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đưa cán bộ, công chức của tỉnh đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, nhưng sau hơn 3 năm triển khai, số được cử đi đào tạo nước ngoài mới chỉ dừng lại ở con số 2 người.
Nguyên nhân chính là do khó khăn trong việc tuyển chọn nguồn để đào tạo. Để có thể tham gia đào tạo ở nước ngoài, điều cần thiết là học viên phải có kiến thức về ngoại ngữ. Tuy nhiên, phần đông cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, chưa đạt chuẩn (B+). Vì vậy, trước khi đưa đi đào tạo ở nước ngoài tỉnh phải mất thêm thời gian dài để đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, công chức. Có lẽ vì thế mà đến nay Đề án mới chủ yếu đang trong quá trình đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, công chức. Cụ thể đến thời điểm này mới có 12 công chức, viên chức được cử đi đào tạo tiếng Anh trình độ IELTS 6.5 tại Viện Đào tạo quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và 20 công chức, viên chức được đào tạo tiếng Anh trình độ IELTS 4.5 tại Trung tâm Anh ngữ - Tin học Việt Mỹ phân hiệu Tây Ninh.
Lớp đào tạo tiếng anh trình độ IELTS 4.5 dành cho cán bộ, công chức thuộc diện Đề án 21
Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, việc “trải thảm đỏ” thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về tỉnh công tác cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng.
Chính sách thu hút nhân tài của tỉnh với nhiều ưu đãi, hỗ trợ về tiền lương, chỗ ở cho những người có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ được đào tạo trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn còn hạn chế. Năm 2013, UBND tỉnh đã ký quyết định thu hút người có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ (41 chỉ tiêu - đối với một số ngành mà tỉnh cần) nhưng đến nay mới chỉ thu hút được 03 Thạc sĩ đào tào ở trong nước, chưa thu hút được đối tượng đào tạo từ nước ngoài về.
Thực tế cho thấy, những người có trình độ cao họ có quyền lựa chọn môi trường làm việc với chế độ đãi ngộ thỏa đáng, điều này quá sức đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Tây Ninh. Không chỉ chuyện lương bổng, bất cứ một ai có chuyên môn giỏi, trước khi quyết định vào một cơ quan nào đó làm việc họ đều tính toán, cân nhắc chuyện họ vào đó sẽ được giao nhiệm vụ gì, công việc đó có phát huy hết khả năng, trí tuệ của họ hay không, điều kiện làm việc có tốt không....Hơn thế, hiện giờ chưa có ngạch bậc lương cho người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thảo chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội vụ năm 2013 rằng, Tây Ninh không thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là lẽ thường tình. Bởi lẽ, Tây Ninh nằm gần kề với Tp.Hồ Chí Minh – Trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc của họ đều hơn hẳn so với Tây Ninh nên khi học xong các em thường ở lại Thành phố làm việc. “Đất lành chim đậu” cũng là chuyện đương nhiên.
Đã đành là thế, nhưng để thu hút được những người có chuyên môn cao cũng cần phải bổ sung các cơ chế, chính sách để thu hút. Quan trọng là tỉnh phải có kế hoạch sử dụng đội ngũ này sao cho hiệu quả, tránh lãng phí chất xám. Điều mà lớp trẻ thông minh, năng nổ có phần e ngại khi vào làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước là họ ít được được cống hiến, được thể hiện, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của mình.
Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã quan tâm trọng dụng và đãi ngộ người có tài trong hoạt động công vụ. Cho dù kết quả mang lại chưa cao nhưng nó cũng thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Lãnh đạo tỉnh trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn cao, kỹ năng quản lý giỏi, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Doãn - Phượng        

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây