Ngày 21/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lưu trữ số 33/2024/QH15 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025) thay thế cho Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13.
Hình minh họa: Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7,
trong đó có Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Lưu trữ năm 2011 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương; tài liệu lưu trữ bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ lịch sử ở địa phương và Lưu trữ cơ quan cơ bản được chỉnh lý, xác định giá trị, bảo vệ, bảo quản an toàn, sử dụng có hiệu quả, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực lưu trữ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Lưu trữ năm 2011, Luật Lưu trữ năm 2024 được xây dựng mới với những điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, Luật Lưu trữ năm 2024 mở rộng phạm vi thành phần của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Ngoài thành phần bao gồm Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam như Luật Lưu trữ năm 2011, thành phần Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam quy định trong Luật Lưu trữ năm 2024 còn bao gồm cả tài liệu lưu trữ tư (khoản 1, Điều 9). Quy định mới này vừa bảo đảm tính toàn vẹn của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, vừa cho thấy giá trị và tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ tư.
Thứ hai, Luật Lưu trữ năm 2024 đã bổ sung và phân định rõ hơn về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam cho các cơ quan có thẩm quyền của Đảng; Bộ Nội vụ; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, hội quần chúng và các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng…Qua đó giúp phân chia rõ ràng và minh bạch thẩm quyền quản lý, đồng thời tăng cường khả năng bảo quản và tiếp cận tài liệu lưu trữ theo từng ngành, từng cấp độ (Điều 10).
Thứ ba, Luật Lưu trữ năm 2024 giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ (khoản 5, Điều 15). Điều này nhằm xác định thời hạn bảo quản tài liệu của các ngành, lĩnh vực được cụ thể và chính xác hơn.
Thứ tư, Luật Lưu trữ năm 2024 quy định mới về thời gian và thành phần nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh. Cụ thể: thời hạn nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 05 năm tính từ năm nộp vào lưu trữ hiện hành (khoản 3, Điều 17). Ngoài các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử theo quy định tại Luật Lưu trữ năm 2011; thành phần nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử theo Luật Lưu trữ năm 2024 bao gồm cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã (khoản 2, Điều 18).
Thứ năm, Luật Lưu trữ năm 2024 đã bổ sung quy định mới về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử nhằm thể chế hoá nội dung của Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: khẳng định tài liệu lưu trữ số có đầy đủ giá trị pháp lý như thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (khoản 3, Điều 7); quy định tài liệu lưu trữ tạo lập dạng số; bản số hóa tài liệu lưu trữ, kho lưu trữ số; các hoạt động thu nộp, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị; lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác.
Thứ sáu, Luật Lưu trữ năm 2024 quy định rõ về tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Lưu trữ năm 2011. Cụ thể: Luật Lưu trữ năm 2024 đã thay đổi tên gọi “tài liệu lưu trữ quý, hiếm” thành “tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt”; quy định các tiêu chí về điều kiện và nội dung của tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt; quy định trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt (Điều 38, 39) nhằm khẳng định giá trị của tài liệu lưu trữ và bảo đảm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
Thứ bảy, Luật Lưu trữ năm 2024 xác định rõ phạm vi của lưu trữ tư là lưu trữ của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức không phải là hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (khoản 14, Điều 2); quy định về trách nhiệm quản lý lưu trữ tư; chính sách của Nhà nước để phát triển lưu trữ tư; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư; ký gửi tài liệu lưu trữ tư vào lưu trữ lịch sử; tặng cho Nhà nước tài liệu lưu trữ tư; tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt.
Thứ tám, Luật Lưu trữ năm 2024 quy định về các hoạt động dịch vụ lưu trữ và khẳng định các hoạt động dịch vụ lưu trữ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 53). Đối với quy định về Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, Luật Lưu trữ năm 2024 quy định theo hướng mở rộng đối tượng được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ bao gồm: cá nhân có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với hoạt động dịch vụ lưu trữ, là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ do Bộ Nội vụ tổ chức; trường hợp cá nhân có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên ngành lưu trữ thì chỉ cần đáp ứng điều kiện là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ không cần kiểm tra nghiệp vụ (Điều 56).
Thứ chín, Luật Lưu trữ năm 2024 đã chính thức công nhận ngày 03/01 hằng năm là “Ngày Lưu trữ Việt Nam” (Điều 6) nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác lưu trữ và ghi nhận công lao, đóng góp của người làm lưu trữ.
Có thể thấy, Luật Lưu trữ năm 2024 đã có những thay đổi phù hợp với nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của Chính phủ điện tử, đảm bảo phát huy vai trò và sứ mệnh giá trị của tài liệu lưu trữ, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa về lĩnh vực lịch sử nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Tác giả: Vũ Thị Xuân
Ý kiến bạn đọc