Lễ Kỳ yên Đình Long Thành – Nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống

Thứ ba - 15/04/2025 17:04 17 0
Lễ Kỳ yên Đình Long Thành – Nét đẹp văn hóa tâm linh truyền thống

Sáng ngày 15/4/2025 (nhằm ngày 18/3 năm Ất Tỵ), Ban Quản lý di tích Đình Long Thành (ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) phối hợp chính quyền địa phương long trọng tổ chức Lễ Kỳ yên trong không khí trang nghiêm, với sự tham dự của lãnh đạo đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội thị xã Hòa Thành, đại diện Ban Tôn giáo – Dân tộc trực thuộc Sở Nội vụ, cùng lãnh đạo chính quyền xã Long Thành Nam, đại diện các tôn giáo bạn (Cao Đài, Công giáo) tại địa phương và đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh về tham dự.

Lễ Kỳ yên (còn gọi là ngày giỗ hội của làng) - một nghi lễ truyền thống được tổ chức lớn hàng năm, mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng dân gian của dân tộc, với nhiều nghi thức trang trọng như: nghi thức dâng hương, cúng Hậu sở, Hòa đờn, thỉnh hương ông Trần Văn Thiện từ lăng mộ về đình, ôn lại tiểu sử, lễ khởi mõ - chiêng - trống và cúng đại lễ Kỳ yên. Các phẩm vật dâng cúng trước ngai thờ như: các loại trái cây, bánh tét, bánh bò, bánh ít; các mâm xôi gấc, xôi đậu đủ màu,… Đây là dịp để mọi người tập trung về đây cúng bái, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công khai phá, lập làng (ấp) qua đó thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó trong đời sống tinh thần, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Được biết, Đình Long Thành đã được Triều đình Huế cho phép xây dựng vào năm 1883 và sắc phong “Thành hoàng bổn cảnh” (ban đầu Đình được xây dựng bằng tranh, qua 04 lần trùng tu, sửa chữa đến nay Đình được xây dựng kiên cố với kiến trúc hình chữ tam), là nơi thờ ông Trần Văn Thiện, sinh năm 1795 (chết năm 1883) – vị tiền hiền có công lớn trong việc khai hoang, lập ấp vùng đất Long Thành vào khoảng năm 1844 (nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, gần Quốc lộ 22B) cùng Nhân dân đánh bại nhiều cuộc cướp phá, giữ bình yên cho Nhân dân lao động, sản xuất. Ngôi đình không chỉ là di tích kiến trúc, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian mà còn là dấu ấn lịch sử nổi bật của địa phương, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận “Đình Long Thành là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia” tại Quyết định số 1430/QĐ/BT ngày 12/10/1993. Bên cạnh đó, cách đình không xa (khoảng 500m) là khu lăng mộ ông Trần Văn Thiện – được xây dựng bằng đá xanh, mang vẻ trang nghiêm và linh thiêng. Trên bia mộ có khắc “Ngài là vị thần có đạo đức thương dân mến nước chống xâm lăng…”. Lăng mộ đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh vào năm 2003. Công tác chăm sóc, gìn giữ Đình Long Thành và khu lăng mộ nơi đây thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh các giá trị truyền thống, văn hóa sâu sắc của người dân tại địa phương.

Việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng nói chung và lễ Kỳ yên Đình Long Thành nói riêng luôn được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người đại diện, Ban Quản lý đình tổ chức các lễ hội tín ngưỡng theo đúng nội dung, chương trình đã đăng ký, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – nét đẹp tâm linh truyền thống của dân tộc tại di tích Đình Long Thành và lăng mộ ông Trần Văn Thiện, góp phần tạo dựng niềm tự hào và kết nối cộng đồng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Đồng thời, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động, lễ hội tín ngưỡng theo đúng Luật tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và nghiêm cấm việc lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng để trục lợi, vi phạm pháp luật.

Đình Long Thành được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993

Đại diện chính quyền địa phương cùng Ban Quản lý di tích

và đại diện tôn giáo bạn, dâng hương tưởng niệm tại Đình Long Thành

Khu Bia mộ ông Trần Văn Thiện được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2003

Tác giả: Thế, Tuấn - Ban TGDT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây