MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 126/2024/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI

Thứ sáu - 01/11/2024 07:17 832 0

Ngày 08/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, với 8 chương và 53 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2024, thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

          Về tổng quan, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP kế thừa một số quy  định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, đồng thời bổ sung, quy định mới một số nội dung để khắc phục các bất cập của quy định trước đây về thẩm quyền thành lập hôi, điều kiện để thành lập hội, việc giao nhiệm vụ cho hội, quyền, trách nhiệm của địa phương các cấp trong việc quản lý hội, hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, quy trình giao nhiệm vụ cho hội,…cụ thể như sau:

          Về thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội, quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận ban vận động thành lập hội hoạt động trong phạm vi tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận ban vận động thành lập hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã. Trước đây Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã.

          Về điều kiện thành lập hội, bổ sung quy định quy định công dân, tổ chức theo đơn vị hành chính đối với từng phạm vi hoạt động (Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên; Hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã). Trước đây trong Nghị định số 45/2010/NĐ-CP chỉ cần đảm bảo số lượng công dân, tổ chức tham gia, không quy định về số lượng công dân tại đơn vị hành chính.

          Về thẩm quyền của trong việc giải quyết các thủ tục về hội, theo đó, bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ  trong việc phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

Về thu hồi quyết định cho phép thành lập hội, so với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP thì Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đã bổ sung quy định trong trường hợp Quyết định cho phép thành lập hội hết hiệu lực thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi quyết định cho phép thành lập hội. Hội bị thu hồi quyết định cho phép thành lập sẽ không được thành lập lại trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bị thu hồi quyết định cho phép thành lập. Đây là điểm bổ sung có tính chất giải quyết một bất cập xuất phát từ thực tiễn và hạn chế việc quyết định công nhận ban vận động đã được ban hành nhưng sau đó nhiều năm mới gửi hồ sơ thành lập hội hoặc có Quyết định thành lập hội nhưng ban vận động nhiều năm không tổ chức đại hội thành lập.

          Về quy định hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và bãi bỏ hội đặc thù: Nghị định số 126/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới trong việc quy định hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là Hội), chính sách của Nhà nước đối với Hội; chính sách, chế độ đối với người làm việc tại Hội; cơ quan lãnh đạo Hội; chủ tịch, phó chủ tịch và quy trình nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, chủ tịch, phó chủ tịch Hội tương tự như Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương

          Về quy trình hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với nhiệm vụ được giao, trước đây Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định quyền của hội bao gồm quyền được Nhà nước hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được giao, nhưng không có quy định về quy trình, thủ tục nên địa phương chưa có cơ sở quy định để giao nhiệm vụ và cấp kinh phí cho hội. Nay Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý để hội được hưởng các quyền theo quy định trên thực tế, khắc phục được hạn chế của quy định trước đây.

          Việc ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý đồng bộ và hiệu quả cho hoạt động hội, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn tổ chức, hoạt động của hội, đáp ứng những yêu cầu đặt ra của công tác quản lý nhà nước, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình quản lý hội.                                                                           

(đính kèm Nghị định 126/2024/NĐ-CP)

Tác giả: Tố Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây