Kết quả 07 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Thứ năm - 28/11/2024 20:26 108 0

Sau 07 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thông qua nhiều cách làm phù hợp, tỉnh Tây Ninh cơ bản đã đạt được các mục tiêu Nghị quyết đề ra.

          Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, đảm bảo nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện và phải phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tính đến ngày 30/9/2024, tỉnh có tổng cộng 506 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 139 đơn vị sự nghiệp so với năm 2017, đạt tỷ lệ 21,55%, giảm 15 đơn vị so với năm 2023.

Về quản lý biên chế, tỉnh đã thực hiện giảm 617 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2024, đạt tỷ lệ giảm 3,51%. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành Quyết định giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảm một phần chi thường xuyên có định mức quy định. Số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp có mặt tính đến ngày 30/9/2024  là 467 người trong tổng số 747 biên chế được giao năm 2024.

Số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đảm bảo đúng theo quy định, tính đến ngày 30/9/2024, số lượng cấp phó là 597 người trong tổng số 506 đơn vị sự nghiệp công lập.

Tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế là 926 trường hợp, trong đó: từ ngày 01/01/2021 đến 31/12/2024 là 269 trường hợp (cơ quan, tổ chức hành chính: 59 trường hợp; đơn vị sự nghiệp: 178 trường hợp; Khối Đảng, đoàn thể: 21 trường hợp; cấp xã: 10 trường hợp; hội: 01 trường hợp).

Việc thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, quá trình thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc và trình tự các bước thực hiện; việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đảm bảo dựa trên sự lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt giữ lại làm việc lâu dài, ổn định; đồng thời động viên số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, năng lực công tác hạn chế, lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc để hưởng chính sách tinh giản biên chế.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tỉnh Tây Ninh còn gặp nhiều khó khăn như: việc thực hiện xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp còn chậm do số lượng đơn vị sự nghiệp nhiều, quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế, nguồn thu sự nghiệp ít và phát triển chậm, chủ yếu dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước. Đơn vị sự nghiệp của tỉnh đa số là sự nghiệp giáo dục và y tế, do đó khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cắt giảm biên chế theo quy định chủ yếu thực hiện ở các đơn vị này dẫn đến địa phương gặp nhiều khó khăn, không đủ biên chế để bố trí đủ theo định mức quy định của ngành giáo dục, y tế.

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đang kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét trình cấp có thẩm quyền xem xét một số nội dung như: xem xét lại các chỉ tiêu giảm về số lượng đơn vị sự nghiệp, biên chế sự nghiệp và chỉ tiêu về mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp (tùy vào tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương để đề ra chỉ tiêu phù hợp) để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện (nhất là lĩnh vực giáo dục và y tế); xem xét cho địa phương không thực hiện việc hợp nhất các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành trung tâm bảo trợ đa chức năng (hợp nhất Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp) vì các trung tâm hiện đang hoạt động có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xem xét cho địa phương tạm dừng việc điều chuyển 03 Trạm cấp huyện (Chăn nuôi và Thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Khuyến nông) về UBND cấp huyện để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện, đến khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho ý kiến hướng dẫn về thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện để thống nhất thực hiện trong cả nước.

                                                                           

Tác giả: Tố Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây