Phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”

Thứ hai - 12/06/2023 16:21 142 0

Sáng ngày 10.6, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức lễ phát động trực tuyến toàn quốc phong trào “Cả nước thi đua xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Tham dự Lễ phát động có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp Trung ương.

Dự Lễ phát động tại điểm cầu Tây Ninh có các đồng chí: Dương Văn Thắng -  Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Ngân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005, theo các thời kỳ, giai đoạn từ 2005 - 2010, 2012 - 2020 và 2021 - 2030. Tính đến nay, việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 10.469 trung tâm học tập cộng đồng, 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học, 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống. Bên cạnh đó, số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và người dân theo hướng xã hội hóa.

Trong 4 mục tiêu chính của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “xóa mù chữ và phổ cập giáo dục”, “học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó, 46/63 tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.

Một trong những kết quả quan trọng đạt được khi thực hiện Đề án là hình thành được mô hình xã hội học tập ở cấp xã, đây là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nước xây dựng xã hội học tập từ cấp thành phố trở lên thì Việt Nam đã tiếp cận tới cấp nhỏ hơn là cơ sở và tạo động lực huy động người dân tham gia học tập. Cách làm riêng này được UNESCO và các quốc gia công nhận.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong học tập, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị, Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương... Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, các làm hay. Đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa cơ sở. Hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huy động sự chung tay đóng góp toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập. Tập trung củng cố hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; hình thành các thư viện cố định và di động ở từng khối xóm, khu phố; khuyến khích văn hóa đọc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp Nhân dân.

Xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của các quỹ, hương ước, quy ước trong dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời. Thực hiện tốt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”.

Tăng cường tuyên truyền về phong trào và điển hình tiêu biểu, tạo động lực, truyền cảm hứng, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả; tạo sự lan tỏa trong xã hội để khích lệ tinh thần nhà nhà học tập, người người học tập, thôn học tập, xã học tập, huyện học tập, tỉnh học tập, cả nước học tập. Khuyến khích, nhân rộng những tấm gương cần cù, kiên trì, say mê học tập, đổi mới sáng tạo...

Đẩy mạnh hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển xã hội học tập, ứng dụng công nghệ đào tạo mở, từ xa, xây dựng thành phố học tập; tiếp thu và phát triển những kiến thức mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ đang là xu thế của thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tất cả công dân có trách nhiệm phải học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu. Đồng thời, kêu gọi mỗi công dân Việt Nam thi đua học tập và học tập suốt đời; các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sau sự kiện này triển khai phong trào thi đua sâu rộng và thường xuyên ở cơ quan, đơn vị, địa phương, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng phong trào học tập, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế…

 

 

Tác giả: Qu?n tr, Thái Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây