Ngày 29/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo (gọi tắt là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3/2024.
Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật tín ngưỡng, tôn giáo gồm: 1) Quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; 2) Nngười đang chấp hành hình phạt tù; 3) Người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; 4) Trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc; 5) Trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; 6) Trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo; 7) Trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; 8) Việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; 9) Việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và các biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Nghị định số 95/2023/NĐ-CP gồm có 06 chương, 33 điều và 60 biểu mẫu thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/3/2024 (thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo), áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định về tiếp nhận hồ sơ và thông báo kết quả tiếp nhận hồ sơ như sau:
Tổ chức, cá nhân khi thực hiện trình tự, thủ tục hành chính theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định này nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau: 1) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công chức tiếp nhận phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản; 2) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công chức tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung đến tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ; 3) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật, công chức tiếp nhận phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo cho tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
Người được cơ quan, tổ chức, cá nhân cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn trả lời. Khi thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định này, đối với các thủ tục quy định các văn bản, giấy tờ trong hồ sơ là bản sao thì khi nộp hồ sơ, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm xuất trình bản chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đối chiếu.
Bên cạnh đó, Phiếu lý lịch tư pháp quy định tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 06 tháng.
Tác giả: Qu?n tr, VĨNH THẾ - BTG
Ý kiến bạn đọc