Một số điểm mới của Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài.

Thứ tư - 25/07/2012 17:10 158 0

Một số điểm mới của Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài.

Ngày 11 tháng 7 năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2012/NQ-HĐND về Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài của tỉnh thay thế Nghị quyết số 27/2009/NQ-HĐND ngày 09/12/2009.

 

Theo Nghị quyết, các đối tượng được hưởng chính sách đào tạo là: cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc diện cán bộ quy hoạch, thay thế cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã; dự nguồn công chức; cán bộ, công chức ngành dọc, cán bộ, công chức thuộc cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tây Ninh.
Nghị Quyết số 13/2012/NQ-HĐND có nhiều điểm mới so với Nghị quyết số 27/2009/NQ-HĐND, cụ thể như sau:
Về phần độ tuổi và thâm niên công tác: Nghị quyết mới quy định, cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trình độ từ cao học trở lên, độ tuổi không quá 40 tuổi và phải có thâm niên công tác từ 05 năm trở lên. Trong khi Nghị Quyết 27 quy định độ tuổi không quá 45 và không cần phải có thâm niên công tác.
Về phần hỗ trợ đào tạo lý luận chính trị trình độ trung cấp, cao cấp: ngoài tiền học phí, tiền hỗ trợ thêm theo chế độ khoán cho thời gian thực học, tiền hỗ trợ chi phí đi thực tế và viết luận văn tốt nghiệp giống như quy định trước đây, học viên học tại Hà Nội còn được  thanh toántiền tàu xe 02 lượt (lượt đi và lượt về) trong một khoá học.
Về phần hỗ trợ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sau đại học, nghiên cứu sinh, theo quy định mới, mức hỗ trợ đào tạo được tăng thêm, Nghiên cứu sinh: từ 50.000.000 đồng/người/khóa lên 60.000.000 đồng/người/khóa; Cao học:  từ 40.000.000 đồng lên 50.000.000 đồng; Chuyên khoa cấp II học lên tiến sĩ: từ 25.000.000 lên 40.000.000 đồng; Chuyên khoa cấp I học lên thạc sĩ: từ 20.000.000 đồng lên 30.000.000 đồng; Chuyên khoa cấp II ngành y: tăng từ 15.000.000 đồng lên 50.000.000 đồng; Chuyên khoa cấp I ngành y: từ 10.000.000 đồng lên 30.000.000 đồng.
Riêng đối với các đối với các ngành nghề tỉnh đang có nhu cầu, nếucán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo cao học, nghiên cứu sinh thuộc các chuyên ngành này thì sau khi tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ thêm 20.000.000 đồng/người/khóa.
Đối với cán bộ, công chức viên chức của tỉnh tự tham gia đào tạo sau đại học ngoài giờ hành chính, sau khi tốt nghiệp cũng được hỗ trợ với định mức khoán như cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Thêm một điểm mới nữa của chính sách đào tạo và thu hút nhân tài lần này là chính sách hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ. Đối với cán bộ, công chức, viên chức nếu tự đào tạo các chứng chỉ ngoại ngữ đủ điều kiện để tham gia các đề án đào tạo nước ngoài của tỉnh, được tỉnh hỗ trợ mức kinh phí tự đào tạo 10.000.000 đồng/người khi có chứng chỉ IELTS 5.5 (hoặc tương đương);  20.000.000 đồng/người khi có chứng chỉ IELTS 6.5 (hoặc tương đương).
Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước (trừ các lớp đào tạo trình độ lý luận chính trị, do đã có quy định riêng), thời gian đào tạo, bồi dưỡng trên 01 tháng, được tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức lương tối thiểu/tháng.
Bên cạnh những nội dung mới được bổ sung, chính sách đào tạo lần này cũng đã hủy bỏ phần chính sách trợ cấp khuyến khích tự đào tạo (với định mức 5.000.000 đồng/người/khóa). Riêng các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, các lớp bồi dưỡng Quản lý nhà nước không quy định tại Nghị quyết 13 mà được UBND tỉnh quy định riêng, trên cơ sở Thông tư số 139/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Các đối tượng được hưởng theo chính sách đào tạo của tỉnh sau khi hoàn thành khóa học phải thực hiện thời gian công tác tại tỉnh gấp 03 lần so với thời gian đào tạo. Nếu tự ý nghỉ học, xin nghỉ học hoặc tự ý nghỉ việc, xin nghỉ việc, xin thuyên chuyển công tác không có lý do chính đáng thì phải bồi thường kinh phí đào tạo theo quy định của tỉnh. Trong khóa học, tỉnh đã chi trả 1/3 trong tổng số kinh phí được hỗ trợ thì mức bồi thường kinh phí đào tạo theo Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo và bồi dưỡng công chức; tỉnh đã chi trả 2/3 trong tổng số kinh phí được hỗ trợ trở lên thì mức bồi thường kinh phí đào tạo gấp 03 lần số tiền trợ cấp của tỉnh.
Về phần chính sách thu hút nhân tài: Nghị quyết trước đây chỉ quy định chung người có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ đồng ý về Tây Ninh công tác ít nhất là từ 5 đến 7 năm sẽ được trợ cấp một lần ban đầu từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng và tùy theo từng trường hợp cụ thể, sẽ được hỗ trợ ngoài lương tối đa 10.000.000 đồng/tháng. Nghị quyết mới lần này quy định rõ ràng, chi tiết hai mức hỗ trợ khác nhau đối với người được đào tạo trong nước và người được đào tạo nước ngoài khi về tỉnh công tác như:
  Đối với người có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ được đào tạo tại nước ngoài, có ngành nghề đào tạo phù hợp và đáp ứng theo yêu cầu của tỉnh, đồng ý về Tây Ninh công tác ít nhất là từ 5 đến 7 năm, được hỗ trợ hoàn lại phần chi phí tự đào tạo với mức từ 600 lần mức lương tối thiểu trở lên. Cụ thể là, ngoài tiền lương cơ bản, được hỗ trợ hoàn lại phần chi phí theo văn bằng đã đào tạo và chi trả theo hàng tháng. Nếu trình độ Tiến sĩ, mức hỗ trợ hoàn lại hàng tháng bằng 12 lần mức lương tối thiểu, hỗ trợ trong vòng 7 năm. Nếu trình độ Thạc sĩ, mức hỗ trợ hoàn lại hàng tháng bằng 10 lần mức lương tối thiểu, hỗ trợ trong vòng 5 năm.
  Đối với người có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ được đào tạo trong nước về Tây Ninh công tác ít nhất là từ 4 đến 5 năm, được hỗ trợ hoàn lại phần chi phí tự đào tạo từ 115 lần mức lương tối thiểu trở lên. Cụ thể là, ngoài tiền lương cơ bản, được hỗ trợ hoàn lại phần chi phí theo văn bằng đã đào tạo và chi trả theo hàng tháng. Nếu trình độ Tiến sĩ, mức hỗ trợ hoàn lại hàng tháng bằng 03 lần mức lương tối thiểu, hỗ trợ trong vòng 5 năm. Nếu trình độ Thạc sĩ, mức hỗ trợ hoàn lại hàng tháng bằng 2,4 lần mức lương tối thiểu, hỗ trợ trong vòng 4 năm.
 Ngoài ra, những trường hợp này còn được bố trí chỗ ở tại nhà công vụ của tỉnh trong thời gian công tác hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà ở hàng tháng với mức bằng 0,5 lần so mức lương tối thiểu trong thời gian công tác. Tuy nhiên, trường hợp này phải qua thời gian thử việc 03 tháng, sau đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh mới thực hiện ký hợp đồng theo thoả thuận.
Thực tế cho thấy, những người có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ thường ở lại làm việc tại các thành phố lớn, do môi trường làm việc thuận lợi, chế độ lương bổng cao. Vì vậy, muốn thu hút và giữ được người tài, cần có chính sách thực tế hơn và phải gắn liền với đời sống vật chất của họ. Việc quy định các chế độ, chính sách thu hút nhân tài lần này là rất thiết thực, đây là bước đầu cần thiết để tỉnh Tây Ninh thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác, cống hiến cho tỉnh nhà.
Về phần chính sách dự nguồn công chức: theo quy định trước đây, đối tượng được hưởng chính sách dự nguồn công chức gồm sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy, tại chức, chuyên tu. Nhưng theo quy định mới, sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chuyên tu không được hưởng chính sách dự nguồn công chức. Riêng đối với các xã vùng sâu, biên giới, tuỳ theo tình hình có thể đề xuất tiếp nhận dự nguồn công chức trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên. Đồng thời, nếu dự nguồn công chức có thời gian công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh liên tục từ 06 tháng trở lên, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị ký hợp đồng lao đồng theo quy định, được thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của Luật Lao động và quy định này trong thời gian tạo nguồn.
Về phần chính sách hỗ trợ cho sinh viên diện chính sách: nhìn chung không có gì thay đổi so với trước đây, chỉ tăng thêm mức hỗ trợ tiền ở hàng tháng cho sinh viên từ 100.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng.
Trong lúc tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh đã quan tâm sâu sắc đến việc phát triển nguồn nhân lực, đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như: Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010 – 2015; Đề án hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010 – 2015 và gần đây nhất là Chính sách đào tạo và thu hút nhân tài. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Lãnh đạo tỉnh trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức có kiến thức cao, kỹ năng quản lý giỏi, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của đất nước nói chung.
                                       DP

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây