Sau thành công của Cách mạng tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bộ Nội vụ đã được thành lập trong cơ cấu Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng đầu tiên.
Ngay sau khi thành lập, Bộ Nội vụ đã cùng với các bộ, ngành trong Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ tiến hành xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền cách mạng non trẻ, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên.
Sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử năm 1946, Quốc hội khoá I của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã bầu ra Chính phủ mới, trong cơ cấu của Chính phủ có Bộ Nội vụ với nhiệm vụ chủ yếu là kiểm soát và tình báo về hành chính và chính trị, làm công tác trị an, pháp chế hành chính, thông tin tuyên truyền, quản lý công chức, dân tộc thiểu số, quản lý việc lập hội và các vấn đề tôn giáo, đảm nhiệm vai trò là cơ quan trung ương của ngành Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, ngành Nội vụ giữ trọng trách bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như tham gia vào mọi công tác chống thù trong giặc ngoài. Năm 1953, ngành Công an tách khỏi Bộ Nội vụ nên chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ tập trung vào xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước.
Trong những năm 1960-1970, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ được quy định mới, theo đó Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý nhà nước và bảo đảm hoàn thành tốt công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước và công tác dân chính.
Đến năm 1973, khi cách mạng liên tiếp giành nhiều thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để chuẩn bị cho một chiến lược mới của cách mạng, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ tách từ Bộ Nội vụ để thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức, cán bộ.
Sau chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức của Chính phủ được bổ sung thêm nhiều và ngày càng hoàn thiện. Đến năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng đã đổi tên Ban Tổ chức của Chính phủ thành Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ.
Ngày 30/9/1992, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX đã quyết định Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang bộ. Sau đó, ngày 09/11/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 181/CP quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, theo đó Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; công chức, viên chức nhà nước; lập hội quần chúng và tổ chức phi chính phủ; phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia.
Năm 2002, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ được đổi tên thành Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố được đổi tên thành Sở Nội vụ. Dù tổ chức bộ máy, tên gọi có khác nhau cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo từng giai đoạn nhưng chức năng cơ bản của ngành Nội vụ vẫn là quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tổ chức bộ máy; biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng; công tác thanh niên.
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của ngành trên phạm vi cả nước, ngành nội vụ tỉnh Tây Ninh luôn không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy, chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của địa phương trong từng giai đoạn.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Sở Nội vụ Tây Ninh từ một đơn vị thực hiện chức năng quản lý đơn lĩnh vực chuyển sang quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Ngành nội vụ đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai, thực hiện nhiều chính sách có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức, cán bộ; sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế; xây dựng chính quyền cơ sở; quản lý, sử dụng biên chế hợp lý; tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức cấp xã; thực hiện công tác cải cách hành chính; quản lý địa giới hành chính, công tác thi đua khen thưởng, công tác tôn giáo, văn thư, lưu trữ…, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tác giả: Qu?n tr
Ý kiến bạn đọc