Xác định việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ CBCCVC từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 1944/QĐ-UBND ngày 22/9/2022 “Đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Đề án). Đề án nhằm tạo nguồn CBCCVC có trình độ cao, xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, có khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chiến lược và đề ra các giải pháp để khai thác mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong khu vực hành chính, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu “…Đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam bộ và cả nước”. Đề án đã đánh giá đúng thực trạng nguồn nhân lực khu vực công tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2015 - 2021, xác định nguyên nhân và đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và phân bổ nguồn lực thực hiện; phân công, giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhằm triển khai thực hiện các nội dung Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh; ban hành các Chương trình, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và hằng năm; đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng triển khai và tổ chức các khoá, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung Đề án.
Sau 3 năm triển khai “Đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 1944/QĐ-UBND ngày 22/9/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh), đã thu hút được 03 thạc sĩ, 15 bác sĩ về công tác tại các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 47/2022/NQ- HĐND; chọn cử đào tạo chương trình tiến sĩ 02, thạc sĩ 14, bác sĩ 95; hỗ trợ khuyến khích tự đào tạo sau đại học cho 27 trường hợp có trình độ thạc sĩ; bình quân mỗi năm phối hợp tổ chức khoảng 30 khóa đào tạo, bồi dưỡng cho 4.935 lượt CBCCVC trên toàn tỉnh với nội dung đa dạng, phong phú (lý luận chính trị, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; kiến thức về văn hóa công sở; bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về một số lĩnh vực trọng điểm như: tôn giáo, dân tộc, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, tài chính, văn hóa và thể thao, thanh tra, xây dựng, giao thông vận tải...).
Tỉnh đã tăng cường kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, các trường đại học quốc tế, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài để tổ chức các khóa bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài (hoặc liên kết nước ngoài) cho CBCCVC. Phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh mở 02 lớp tiếng Anh với 65 học viên. Phối hợp với Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao mở 01 lớp bồi dưỡng công tác lễ tân, ngoại giao cho 200 cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, trong năm 2024 đã phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia, viện quản trị Chandler tổ chức 02 Khóa bồi dưỡng quốc tế “Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả” tại Việt Nam và Singapore với 60 cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý chủ chốt của cấp tỉnh, cấp huyện. Khoá bồi dưỡng giúp cho lãnh đạo chủ chốt của cấp tỉnh, cấp huyện tiếp cận cách thức tư duy mới trong xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách phát triển quốc gia để phù hợp với bối cảnh, xu thế chung. Từ đó giúp mở rộng thế giới quan và tầm nhìn cho công chức lãnh đạo, quản lý, giúp xác định và áp dụng các kỹ năng thiết yếu để làm việc hiệu quả trong kỷ nguyên số; có hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc về thực tiễn quản lý, điều hành của Singapore, quốc gia có nền quản trị hiện đại hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc