Năm 2016 cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực .

Thứ tư - 21/12/2016 21:00 84 0

Năm 2016 cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực .

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh về cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 nên ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã đã có những chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện công tác cải cách hành chính để hoàn thành mục tiêu cải cách hành chính trong năm, góp phần hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn.

         

IMG_0659.JPG
​Công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Dương Minh Châu giải quyết công việc cho người dân

        Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2016, Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính của tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 49 cơ quan, đơn vị, qua kiểm tra giúp các cơ quan khắc phục hạn chế, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính.  Công tác kiểm tra công vụ cũng được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành trong tỉnh, trong năm đã tiến hành kiểm tra công vụ thường xuyên tại 16 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

         Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh đã đi học tập mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh tại tỉnh Đồng Tháp và nghiên cứu mô hình này tại một số tỉnh để thực hiện. Hiện tỉnh đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

        Việc rà soát, đơn giản hóa TTHC được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, đã hoàn thành việc quyết định công bố chuẩn hóa tất cả Bộ TTHC của các ngành, lĩnh vực tại 17 sở, ban, ngành tỉnh và thực hiện tại 03 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số TTHC của tỉnh Tây Ninh sau khi được chuẩn hóa là 1.685 TTHC (trong đó cấp tỉnh là 1.301, cấp huyện là 271 và cấp xã là 113 TTHC).

          Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương về lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội thông qua phương án đơn giản hóa nhóm TTHC về An toàn vệ sinh lao động và Tiền lương với tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ là 30,77%; lĩnh vực liên quan đến hoạt động của các cơ sở in với tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ là 52,24%; lĩnh vực nguyên tử và an toàn bức xạ với tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ là 23,70% .

          Trong năm, đã tiếp nhận được 10 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND ngày 23/9/2014 của UBND tỉnh và xử lý xong theo đúng quy định.

         Về tổ chức bộ máy, tiếp tục ổn định 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố Tây Ninh; các cơ quan chuyên môn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không có sự chồng chéo, trùng lắp; số lượng và cơ cấu tổ chức bên trong của từng cơ quan luôn bằng hoặc thấp hơn so với quy định.Đối với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hiện nay có 122 cơ quan hành chính các cấp đã thực hiện cơ chế một cửa. Cơ chế một cửa liên thông ở lĩnh vực Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đăng ký Mã số thuế cho doanh nghiệp; cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất.

         Hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai tại hầu hết các sở, ngành, huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, đã có 69/122 cơ quan đã được áp dụng phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (14/18 sở ngành tỉnh, 09/09 huyện, thành phố, 46/95 xã, phường, thị trấn). Tại đây được trang bị hệ thống máy tính, ki ốt tra cứu bằng thiết bị mã vạch, màn hình cảm ứng để phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, theo dõi hồ sơ trong quá trình giải quyết, góp phần mang lại hiệu quả cao trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả.

          Công tác đào tạo, bồi dưỡng được UBND tỉnh quan tâm thực hiện nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ, ước tính đến năm 2016, UBND tỉnh cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với 2.887/1759 trường hợp (đạt 164% so với kế hoạch đề ra). Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh với khoảng 1.758 lượt công chức. Song song đó, UBND tỉnh cũng đã thực hiện chính sách thu hút nhân tài đối với 19 trường hợp, bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

          Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, tỉnh đang tiếp tục phát triển mô hình chính quyền điện tử tại tỉnh. Hệ thống thông tin dùng chung (Họp không giấy, Cổng thông tin điện tử,...) được xây dựng, kết nối liên thông từ cấp huyện đến cấp tỉnh đã góp phần đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

          Hệ thống văn phòng điện tử được triển khai thực hiện tại 72 cơ quan, đơn vị. Hệ thống văn phòng điện tử tích hợp tính năng ký số nhằm tăng tính tiện ích trong việc triển khai ứng dụng chữ ký số cho các cơ quan quản lý Nhà nước và có thể liên thông văn bản giữa UBND tỉnh với các sở, ban ngành. Hiện nay, tỷ lệ trao đổi văn bản, tài liệu chính thức giữa các cơ quan hành chính dưới dạng điện tử đạt trên 70%. Số lượng thủ tục hành chính công được cung cấp trực tuyến (trên Cổng thông tin điện tử tỉnh) là 1.685 thủ tục đều ở mức độ 2; trong đó có 180 TTHC đạt mức độ 3 và 4 (mức độ 4: 137 thủ tục).

          Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Đến ngày 31/5/2016, đã có 125/149 cơ quan, đơn vị đã thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 (gồm 43/45 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 08/09 cơ quan cấp huyện, 74/95 cơ quan cấp xã).

Theo UBND tỉnh, mặc dù công tác cải cách hành chính của tỉnh có chuyển biến tích cực so với năm 2015 nhưng chuyển biến còn chậm. Sự phối hợp giải quyết hồ sơ cho người dân giữa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các bộ phận chuyên môn có liên quan còn thiếu chặt chẽ. Công tác phối hợp trong giải quyết TTHC liên thông như: đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các địa phương với cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa tốt.

          Việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được quan tâm triển khai nhưng hoạt động chưa được thông suốt, hiệu quả mang lại chưa cao, các lĩnh vực thực hiện liên thông còn ít. Tình trạng nhận thừa thành phần hồ sơ trong quá trình giải quyết TTHC so với quyết định công bố TTHC là phổ biến, nhất là các lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, cấp các loại chứng chỉ hành nghề…

                              D.P

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây